image banner
Hòa Bình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP thủy sản từ thế mạnh lòng hồ thủy điện
Lượt xem: 127
Với lợi thế về mặt nước lòng hồ thủy điện, tỉnh Hoà Bình đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chế biến và xây dựng các sản phẩm OCOP thủy sản, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Phát huy lợi thế thủy sản trên địa bàn

Hòa Bình là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản tương đối lớn với trên 14.560 ha mặt nước, toàn tỉnh có 543 hồ thủy lợi lớn, vừa và nhỏ, trong đó có 49 hồ chứa lớn có dung tích từ 3 -10 triệu m3, 151 hồ chứa vừa có dung tích từ 0,5 - 3 triệu m3, 273 hồ chứa nhỏ có dung tích từ 0,05 - 0,5 triệu m3 và có 70 hồ chứa có dung tích dưới 50.000 m3 phân bố trên địa bàn của 10 huyện, thành phố của tỉnh. Đặc biệt, hồ thuỷ điện Sông Đà với diện tích 8.892 ha, nằm trên địa bàn thành phố Hòa Bình và 4 huyện là Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu.

 

Nguồn nước hồ chứa sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp, chất thải và hóa chất công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao. Đây là một lợi thế lớn của tỉnh Hòa Bình trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa.

 

Để thúc đẩy việc phát triển nuôi trồng thủy sản, trong những năm qua Sở NN & PTNT tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chính sách như: Nghị quyết số 12 - NQ/TU ngày 13/6/2014 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng, bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của "Quy định một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020"; Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày 05/7/2021 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. 

 

Những năm qua, bên cạnh việc ban hành các chính sách về khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề nuôi cá lồng bền vững, nỗ lực xây dựng nhãn hiệu "Cá sông Đà - Hòa Bình" và "Tôm sông Đà - Hòa Bình" (đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận), tỉnh Hòa Bình đang đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP thuỷ sản đã đem lại những hiệu quả thiết thực trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm chế biến (cá phi lê, ruốc cá) được chứng nhận OCOP, gồm: 5 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao.

 

Với 5 xóm giáp lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, từ lâu nghề nuôi cá lồng đã phát triển ở xã Tiền Phong của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa  Bình. Tuy nhiên, do còn gặp khó khăn về đầu ra, khoa học kỹ thuật nên nghề nuôi cá chưa thể là nghề chính đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

 

Đầu năm 2023, Hợp tác xã Đà Giang ECO được thành lập đã liên kết trong sản xuất, tiêu thụ cá với các hộ nuôi cá lồng ở xã Tiền Phong. Nhờ đó nghề nuôi cá lồng đã phát triển mạnh, đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Đặc biệt, cũng trong năm này,  3 sản phẩm của Hợp tác xã Đà Giang ECO, xã Tiền Phong là cá trắm đen sông Đà, cá lăng đen sông Đà, cá ngạnh sông Đà được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao càng thúc đẩy nghề nuôi cá lồng nơi đây phát triển.

 

Theo ông Xa Ngọc Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Đà Giang ECO, thay vì chỉ bán cá tươi nguyên con như trước, Hợp tác xã tập trung vào các sản phẩm cá chế biến chuyên sâu. Việc được công nhận sản phẩm OCOP giúp Hợp tác xã thuận lợi hơn trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm, qua đó, giúp nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

 

Anh-tin-bai

 

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 9 sản phẩm chế biến từ thủy sản được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Ảnh: PH

 

Thủy sản từng bước trở thành "hàng hóa mũi nhọn"

Bà Đinh Thị Khánh ở xóm Mơ, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc là một trong những hộ nuôi cá lồng lâu năm trên địa bàn xã. Do đầu ra còn khó khăn, phụ thuộc vào tư thương nên gia đình bà Khánh chỉ duy trì nuôi 2 lồng cá, bỏ trống 1 lồng vì sợ nuôi nhiều khó bán.

 

"Hiện nay nghề nuôi cá lồng ở địa phương chủ yếu là "mạnh ai nấy làm", nuôi theo kinh nghiệm, còn thiếu kiến thức. Tôi mong mỏi được liên kết với các hộ khác để cùng sản xuất, có sản phẩm được công nhận OCOP để đầu ra bền vững", bà Khánh cho hay.

 

Ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NNPTNT huyện Đà Bắc thông tin, hiện nay diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện Đà Bắc là 143 ha, với 2 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 700 tấn, trong đó nuôi trồng gần 583 tấn. Việc xây dựng sản phẩm OCOP về thuỷ sản là một trong những giải pháp quan trọng mà huyện đã và đang triển khai để phát triển nghề nuôi cá lồng tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

 

"Hiện nay, ngành chú trọng triển khai thử nghiệm các mô hình nuôi cá lồng bè theo tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản có chứng nhận VietGAP, xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP để nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường. Ngoài ra, khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng tập trung, quy mô lớn gắn với áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng", ông Lương Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Hòa Bình cho hay.

 

Xây dựng và phát triển các sản phẩm  từ thủy sản đạt và được công nhận theo tiêu chuẩn OCOP là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm. Với sự đầu tư đúng hướng, có chính sách khuyến khích, chế biến các sản phẩm từ thủy sản sẽ thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tăng thu nhập cho người dân tại tỉnh Hòa Bình.

Nguồn bài viết: trangtraiviet.danviet.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1