image banner
Hội ND Kiên Giang: Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 933
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được các cấp Hội ND trong toàn tỉnh quan tâm và thực hiện; Hội ND tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, mở các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kĩ thuật cho hội viên nông dân góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn và đặc biệt đẩy mạnh hoàn thành mục tiêu chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Hội còn thực hiện các chương trình hỗ trợ nông dân tại các xã, thị trấn thông qua việc tín chấp vay vốn ưu đãi của ngân hàng Chính sách và Xã hội để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế hộ; hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết về chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, hỗ trợ và xúc tiến xây dựng tổ hợp tác, tổ sản xuất ngành nghề tại các địa phương.


Hàng năm Hội ND các cấp khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề trên các ấn phẩm như Bản tin công tác Hội, tại các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội ND cơ sở; tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên nông dân, tổng hợp danh sách, phân loại nghề để có cơ sở bố trí đào tạo nghề theo nhu cầu của nông dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào nông dân, giao chỉ tiêu cho Hội ND huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện.


Với mục đích tạo điều kiện cho người lao động nông thôn có kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động, chất lượng sản phẩm trở thành hàng hóa, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Trong những năm qua, thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội đã phối hợp cùng với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp, Phòng kinh tế hạ tầng, Trung tâm dạy nghề và các ngành của huyện tổ chức được các lớp dạy nghề cho 53.782 người, đạt 65,3% so với kế hoạch của cả giai đoạn (82.318 người).


Trong đó, tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo phân theo các nhóm đối tượng theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm lao động làm trong các vùng sản xuất nguyên liệu nông sản của doanh nghiệp 154 người; lao động là thành viên các Hợp tác xã là 75 người; lao động thuộc diện chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội nông thôn 53.553 người.


Tỉnh Hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức ở địa phương, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật các chương trình, dự án cho 144.790 người, trong đó, tập huấn lĩnh vực trồng trọt là 80.059 người, lĩnh vực thủy sản 32.929 người, lĩnh vực chăn nuôi 31.802 người.


Học viên học nghề được phân theo các ngành nghề đào tạo: Nghề Nông lâm nghiệp, thủy sản, Nghề Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Nghề du lịch, dịch vụ...   Đối tượng đào tạo nghề gồm: Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, lao động nữ, lao động nông thôn khác...


Qua 08 năm (2010 -  2018) triển khai, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là khu vực nông thôn đã từng bước nâng cao nhận thức, thói quen canh tác, tác phong làm việc của lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp.


Sau học nghề người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời góp phần tăng trưởng kinh tế và ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương.


Sau đào tạo, các học viên đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình có hiệu quả tích cực, các sản phẩm từ mô hình được thị trường chấp nhận, mang lại giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá bống tượng, cá bống mú, nuôi rùa, rắn, kỳ đà (huyện An Minh) tạo thu nhập bình quân từ 2 -  3 triệu đồng/ người/ tháng; mô hình cá lồng bè (huyện Kiên Hải và huyện Kiên Lương) đã nhân rộng trên 800 lồng bè thu nhập bình quân 23 - 25 triệu đồng/bè/vụ; mô hình nuôi tôm sú, trồng tiêu, trồng lúa chất lượng cao (huyện Kiên Lương), tạo thu nhập bình quân từ 3-  5 triệu đồng/người/tháng. Tổng số lao động học nghề theo các mô hình trên 2.000 người, đa số lao động nông thôn đều được giải quyết việc làm gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình.


Có thể nói, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo điều kiện cho địa phương lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động đẩy mạnh phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương , đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1