image banner
Hội ND Tuyên Quang: Đào tạo nghề cho trên 30 nghìn lao động nông thôn
Lượt xem: 977
(Cổng ĐT HND) – Từ năm 2010- 2017, có khoảng hơn 30.000 lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được hỗ trợ học nghề. Riêng trong năm 2017, đã tổ chức được 126 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với 4.242 học viên tham gia. Những kết quả đó khẳng định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện đúng hướng, phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực.

Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp người dân tạo sinh kế, ổn định cuộc sống (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

 

 
Về tỷ lệ lao động ở nông thôn đã qua đào tạo, nếu như vào thời điểm năm 2010 mới chỉ có khoảng 27% thì nay đã được nâng lên thành 51,3% (vào năm 2017). Trong đó, riêng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo các nghề từ mức ban đầu có 17% hiện cũng đã được nâng lên thành 31,5%, góp phần làm chuyển dịch đáng kể về cơ cấu lao động của các ngành nghề. Cụ thể như: Đối với ngành nông, lâm nghiệp, giảm từ 76,6% (năm 2010) xuống còn 55,6% (năm 2017); ngành công nghiệp, xây dựng, tăng từ 10,3% lên 16,3%; ngành thương mại, dịch vụ cũng tăng từ 13,1% lên 28,1%...

 
Có được những kết quả như trên là nhờ nhiều địa phương trong tỉnh đã biết huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn cùng vào cuộc. Chính việc huy động được đồng thời các nguồn lực của xã hội để cùng tham gia giải quyết công tác đào tạo nghề, tăng cường những điều kiện vật chất nhằm bảo đảm chất lượng dạy nghề đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có cơ hội được hỗ trợ, đào tạo để nâng cao về tay nghề, nghiệp vụ.

 
Thời gian qua, các cấp Hội ND đã tích cực thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Trung tâm đã tập trung đẩy mạnh việc tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

 
Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội coi trọng và thực hiện giúp bà con ý thức được việc học nghề chính là quyền lợi và nghĩa vụ của lao động ở khu vực nông thôn. Thông qua học nghề, nhiều hội viên, nông dân trong tỉnh đã được nâng cao cả về kỹ năng và tay nghề, đem áp dụng vào sản xuất giúp tăng thêm hiệu quả.

 
Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm luôn bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tạo cơ hội cho lao động nông thôn được học nghề. Theo đó, đã tổ chức đào tạo được 81 lớp dạy nghề cho 2.610 học viên tham dự. Trong đó, các lớp nghề về nông nghiệp gồm: Trồng cây ăn quả; trồng nấm; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá; lớp nghề phi nông nghiệp có: Sửa chữa máy nông nghiệp; làm chổi chít...
 

Năm 2017, Trung tâm cũng đã phối hợp, tổ chức 17 lớp với 589 học viên tham gia, đạt 106% kế hoạch giao. Trong đó, số học viên là người dân tộc thiểu số có 201 người; học viên thuộc hộ nghèo và cận nghèo là 45 người; học viên là lao động nông thôn khác có 343 người.

 
Hiện nay, các lớp dạy nghề đều đã được mở theo hướng dựa trên cơ sở khảo sát về nhu cầu thực tế của người lao động cũng như thế mạnh của từng địa phương. Nội dung học lý thuyết luôn đi đôi, gắn với thực hành, phù hợp với trình độ, năng lực nhằm giúp học viên cảm thấy dễ dàng và thuận lợi trong việc tiếp nhận các kiến thức mới. Bên cạnh đó, đa số các lớp học được tổ chức ngay tại địa bàn cơ sở cũng đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho người học vì không cần phải di chuyển đi xa.

 
Nhờ vậy, sau khi học nghề, người lao động có cơ hội áp dụng những kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình. Trung tâm cũng đã chú trọng tới công tác tư vấn, hướng nghiệp và định hướng việc làm của lao động sau khi học nghề. Qua đánh giá, nhiều nông dân đã có kiến thức cơ bản và vươn lên ổn định cuộc sống với tỷ lệ số học viên có việc làm sau đào tạo nghề đạt từ 80%- 90%.

 
Với mục tiêu lấy nông dân dạy nông dân, học viên lớp trước dạy lớp sau, hình thức học là “cầm tay chỉ việc” đơn giản, dễ hiểu nên công tác dạy nghề của các cấp Hội đạt hiệu quả tích cực. Nhiều kinh nghiệm hay cũng được bà con chia sẻ thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội nhằm giúp nâng cao kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy...

 
Tiêu biểu như: Anh Bàn Văn Hải ở thôn Làng Phan, xã Hùng Đức- huyện Hàm Yên, một tấm gương điển hình nhờ biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả, phát triển kinh tế gia đình. Theo anh Hải, trước đây việc chăn nuôi của gia đình anh chưa phát huy hiệu quả kinh tế, khi được tham gia lớp học nghề kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm do huyện tổ chức, nhờ những kiến thức được học, anh đã biết cách phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, giúp vật nuôi phát triển tốt. Hiện nay, gia đình anh duy trì nuôi từ 50- 60 con lợn và 300 con gà thương phẩm, thu nhập trung bình đạt trên 200 triệu đồng/năm.

 
Hay như anh Lâm Xuân Tuyên ở xã Phú Lâm- huyện Yên Sơn cũng đã có việc làm ổn định nhờ được tạo điều kiện tham gia lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Nhờ tích cực học tập các kiến thức được dạy trên lớp, anh đã có thể tự “bắt bệnh” và tự bảo dưỡng, sửa chữa máy móc. Ngoài ra, trong quá trình học, anh còn được trang bị thêm những kỹ thuật giúp vận hành máy an toàn, bảo dưỡng máy định kỳ nhằm hạn chế hỏng hóc. Biết nghề, không chỉ tự sửa chữa máy móc trong nhà, anh còn sửa chữa giúp và nhiệt tình chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ thuật về máy móc cho bà con.

 
Song song với công tác đào tạo nghề, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh còn tích cực phối hợp với các ngân hàng tiến hành giải ngân cho hội viên, nông dân vay 122,63 tỷ đồng.

 
Ngoài ra, Trung tâm còn chủ động phối hợp, cung ứng được trên 1.500 tấn phân bón kịp thời vụ, giúp cho bà con nông dân sử dụng để bón cho cây trồng làm tăng năng suất và chất lượng nông sản.

 
Nhằm cụ thể hóa chương trình hợp tác đào tạo, dạy nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật, giai đoạn 2015- 2020 giữa Hội ND tỉnh và trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển lâm nghiệp (thuộc trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) xây dựng vườn ươm chất lượng cao với diện tích 8.500 m2. Đến nay, đơn vị đã sản xuất và cung ứng khoảng 450.000 cây keo giống hạt Úc, keo nuôi cấy mô đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của bà con nông dân.

 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục bám sát các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của ngành về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; phối hợp với UBND các xã trên địa bàn triển khai rà soát, nắm bắt chính xác nhu cầu học nghề của nông dân, tổ chức định hướng nghề cần học cho người dân trước khi đăng ký học. Đồng thời, tiếp tục thu hút nguồn lực từ T.Ư, Sở Lao động Thương binh & Xã hội và các tổ chức khác để tổ chức các lớp dạy nghề đảm bảo chất lượng; chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp có uy tín để mở rộng thị trường, giới thiệu việc làm cả trong và ngoài nước…


 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1