image banner
Lào Cai: 70% nông dân có việc làm ổn định sau học nghề
Lượt xem: 771
(Cổng ĐT HND)- Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định 1956 và Quyết định 971 của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua (2013-2018), các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 13.725 lao động nông thôn.
Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh đã tổ chức 35 lớp dạy nghề, gồm: May, thêu thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản.


Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân - Hội ND tỉnh đã tổ chức 35 lớp dạy nghề cho 1.125 lao động, đào tạo các nghề ngắn hạn, thời gian đào tạo nghề dưới 3 tháng cho nông dân, gồm các nhóm nghề: May, thêu thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản theo hình thức cầm tay chỉ việc tại các xã, thị trấn.
 
 
Có được kết quả đó là nhờ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã được Trung ương Hội quan tâm đầu tư xây dựng tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát, với tổng dự toán kinh phí xây dựng 50,1 tỷ đồng, hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, gồm các hạng mục: Nhà học hành chính, ký túc xá, xưởng thực hành, nhà để xe, cổng, hàng rào, nhà bảo vệ, đường giao thông nội bộ, mua sắm trang thiết bị, phòng cháy chữa cháy, trạm biến áp.
 
 
Đồng thời, Trung tâm còn phối hợp với Sở Lao động – Thương binh Xã hội tổ chức đào tạo 3 lớp kỹ năng dạy học cho 100 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cho các loại hình sản xuất, để trở thành lực lượng cốt yếu trong truyền nghề cho nông dân và bổ sung lực lượng làm giáo viên thỉnh giảng cho các lớp dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ nông dân có việc làm ổn định sau khi được học nghề đạt 70%. Đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động, giới thiệu được 298 lao động về làm việc tại Công ty Brother Việt Nam - 100% vốn của Nhật Bản, với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng.
 
 
Để đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho hội viên nông dân, Hội ND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với 17 sở, ban, ngành của tỉnh để thực hiện những nội dung, nhiệm vụ của Kết luận 61 và Quyết định 673, hằng năm tổ chức triển khai các hoạt động phối hợp có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
 
Trong 5 năm qua, Quỹ HTND đã thực hiện 128 lượt dự án, với số vốn quay vòng 28,48 tỷ cho 2.292 hộ vay, giải quyết việc làm cho hơn 3.092 lao động với mức thu nhập từ 25-40 triệu đồng/năm. Hiện nay, dư nợ Quỹ HTND tỉnh đạt 20.37 tỷ đồng; dư nợ Quỹ HTND cấp huyện đạt 4,354 tỷ đồng. Các mô hình, dự án Quỹ HTND, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, trả gốc, phí đầy đủ, đúng hạn không có hiện tượng xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Hoạt động vay vốn của Quỹ HTND đã phát huy tích cực trong hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế mới ở nông thôn.
 
 
Hội phối hợp với ngân hàng CSXH thực hiện các công đoạn ủy thác cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội, tổng dư nợ từ 17 chương trình cho vay do Hội quản lý đạt 689 tỷ đồng, cho 19.107 hộ vay, tại 641 Tổ tiết kiệm và vay vốn.
 
 
Thực hiện Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Hội ND tỉnh đã ký chương trình phối hợp liên ngành với ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh tổ chức triển khai cho vay vốn thông qua hoạt động tín chấp của Hội. Các cấp Hội đang quản lý 625 Tổ vay vốn và Tổ liên kết vay vốn, cho 14.581 thành viên vay vốn phát triển sản xuất, dư nợ đạt 1.011 tỷ đồng, chất lượng tín chấp tốt.
 
 
Các cấp Hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; xây dựng các mô hình trồng rau an toàn, chè VietGAP, hoa, lúa giống chất lượng cao,… các mô hình chuồng trại, trồng cỏ dự trữ thức ăn gắn với xử lý chất thải bằng hầm biogas; bảo tồn các giống cây con quý hiếm cho 239.576 lượt hội viên; phối hợp xây dựng 316 mô hình sản xuất giống mới, cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt để nhân rộng trên địa bàn.
 
 
Hội phối hợp với các ngành tổ chức thành công Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp - Thương mại các tỉnh khu vực Tây Bắc - Lào Cai. Hằng năm giới thiệu sản phẩm nông sản tiêu biểu Lào Cai tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội tổ chức.
 
 
Ngoài ra, Hội tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức tuyên truyền vận động hình thành các chuỗi giá trị nông sản đặc hữu các địa phương; phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ, Cục sở hữu trí tuệ xây dựng 9 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông nghiệp: Rau, chè Shan Bắc Hà; thịt trâu sấy, khoai môn Bảo Yên; hoa, thảo quả, su su Sa Pa; quýt, đậu tương vàng Mường Khương; bưởi Múc Bảo Thắng. Hiện nay, các nhãn hiệu tập thể đều được các ngành chức năng giao cho Hội ND các cấp quản lý.
 
 
Hội tổ chức 36 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nông dân và hội nghị đối thoại chính sách giữa nông dân với các cơ quan quản lý nhà nước, có trên 5.700 lượt nông dân tham gia trao đổi kinh nghiệm sản xuất, học hỏi về KHKT, nắm bắt được cơ chế chính sách để tiếp cận, nâng cao phương pháp lập kế hoạch và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
 
 
Các cấp Hội tích cực vận động, hướng dẫn nông dân thành lập các tổ Hội nghề nghiệp, Tổ liên kết trong sản xuất kinh doanh; phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức sáng lập viên hợp tác xã, kinh tế hợp tác, kỹ năng kinh doanh hộ gia đình và thương nhân, giới thiệu các mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, trang trại có quy mô sản xuất lớn, thu nhập cao cho hội viên, nông dân.
 
 
Hiện Hội ND trực tiếp hướng dẫn thành lập 73 mô hình kinh tế tập thể, 56 Tổ hội nghề nghiệp. Trong đó có 04 tổ Hội do Hội ND tỉnh chỉ đạo điểm, bước đầu các mô hình có chiều hướng phát triển tốt. Toàn tỉnh hiện có 154 Hợp tác xã theo Luật hợp tác xã năm 2012; 64 Tổ hợp tác được chứng thực hợp đồng hợp tác theo Nghị định 151 của Chính phủ, 29 làng nghề truyền thống; có 485 trang trại, chủ yếu là trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; 7.693 cơ sở dịch vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu hoạt động quy mô vừa và nhỏ như: Chế biến tiêu thụ chè, chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất đồ gỗ, gia công cơ khí, thủ công mỹ nghệ, thêu dệt thổ cẩm, mây tre đan,...
 
 
Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng với nhiều hình thức và đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương, đã có 24 doanh nghiệp, 17 Hợp tác xã liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với các sản phẩm chè, dược liệu, rau, hoa, lúa, gạo, ngô...
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề và hỗ trợ nông dân, coi đây là động lực để tập hợp nông dân vào Hội, phấn đấu 100% Hội ND cơ sở tổ chức được hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân; tập trung tuyên truyền để các cấp, các ngành hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của Trung tâm Hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ đặc thù của dạy nghề nông dân, tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân thông qua các hoạt động, khai thác tốt cở cở vật chất, đất đai và trang thiết bị của Trung tâm.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1