image banner
Ninh Thuận: Hiệu quả thiết thực từ dạy nghề cho lao động nông thôn
Lượt xem: 908
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân đã được các cấp Hội quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Buổi thi kiểm tra hết môn chăm sóc thú y của học viên


Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh giao chỉ tiêu để Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân và Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan liên quan tổ chức vận động hội viên, nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề tại cơ sở. Đến nay, các cấp Hội đã mở được 79 lớp dạy nghề với 2.565 hội viên, nông dân. Trong đó, có 1.620 học viên là người dân tộc, 408 học viên thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.
 
 
Toàn tỉnh có 111.294 hộ làm nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong đó khu vực nông thôn có hơn 97.198 hộ/362.945 khẩu, với trên 126.600 lao động nông nghiệp. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 09-NQ/HNDTW và các văn bản về công tác dạy nghề theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ trong cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tư vấn, dạy nghề cho lao động nông thôn; thường xuyên giám sát việc thực hiện và kịp thời tập hợp ý kiến của hội viên, nông dân về công tác đào tạo nghề để phản ánh, kiến nghị với các cơ quan liên quan có giải pháp triển khai phù hợp.
 
 
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân còn tích cực phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề. Qua đó, nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về học nghề từng bước được nâng lên, tỷ lệ hội viên, nông dân đăng ký tham gia các lớp đào tạo nghề ngày càng tăng.
 
 
Việc tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn tại cơ sở đã tạo điều kiện cho nông dân theo học được dễ dàng, mặt khác có thời gian phụ giúp công việc gia đình nên thu hút được nông dân tham gia.
 
 
Để giúp các học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức, Trung tâm đã huy động 15 giáo viên thỉnh giảng là các kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi có kinh nghiệm thực tế, phương pháp giảng dạy, am hiểu tâm lý nông dân tại các đơn vị như: Chi cục Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông; Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi.
 
 
Với nhiều hình thức phong phú, các cấp Hội đã vận động, tư vấn, hướng dẫn hội viên tham gia 32 Hợp tác xã, 290 Tổ hợp tác gắn với công tác hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho nông dân với hình thức học đi đôi với hành, giúp nâng cao kỹ năng lao động nông thôn; tổ chức cho cán bộ hội viên nông dân tham quan học hỏi những mô hình làm ăn có hiệu quả ở các tỉnh, thành. Điển hình như: Mô hình nuôi lươn trải bạt tại TP Cần Thơ; mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở tỉnh Lâm Đồng; mô hình trồng hoa lan ở TP Hồ Chí Minh; mô hình sản xuất gắn với du lịch sinh thái ở tỉnh An Giang; tham gia “sàn kết nối cung cầu nông nghiệp, thực phẩm” để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm...
 
 
Hội ND tỉnh chỉ đạo Quỹ HTND, phối hợp với ngân hàng CSXH và ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ vốn cho hội viên, nông dân sau khi học nghề. Đến nay, nguồn vốn Quỹ HTND đã giải ngân 20,838 tỷ đồng cho 916 hộ vay triển khai 94 chương trình, dự án. Dư nợ cho vay ngân hàng CSXH đạt 538,8 tỷ đồng cho 19.470 hộ hội viên, nông dân vay tại 420 tổ TK&VV; doanh số cho vay ủy thác qua Hội ND của ngân hàng NN&PTNT đạt 1.154 tỷ đồng cho 21.901 hộ vay tại 398 Tổ vay vốn.
 
 
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân còn tập huấn hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Trong đó có 02 dự án xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Táo Ninh Thuận” và “Tỏi Phan Rang” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Táo Ninh Thuận” với kinh phí 216 triệu đồng; dự án Xây dựng bộ nhận diện cho sản phẩm “Táo Ninh Thuận” với kinh phí trên 300 triệu đồng; thực hiện 04 dự án khoa học công nghệ cấp huyện với kinh phí 936,95 triệu đồng; phối hợp với iDE Việt Nam triển khai dự án xây dựng “Mô hình ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp” cho hộ nông dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận. Có trên 2.300 hộ nông dân lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên diện tích 578,8 ha với tổng kinh phí 22 tỷ đồng, trong đó iDE Việt Nam hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, còn lại do người dân đầu tư.
 
 
Trung tâm còn phối hợp với TW Hội, công ty Enzyma tập huấn chuyển giao sử dụng chế phẩm BiOWiSH trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và xử lý môi trường cho 700 hội viên, nông dân; triển khai dự án Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm BiOWiSH trồng măng tây xanh của TW Hội với kinh phí 300 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức dịch vụ cung cấp phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học BiOWiSH cho bà con.
 
 
Trung tâm còn xây dựng thành công 290 mô hình trình diễn khuyến nông góp phần thay đổi nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất của nhân dân địa phương. Trong đó, có 157 mô hình trồng trọt, 117 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình nuôi trồng thủy sản, 12 mô hình dịch vụ. Nhiều hộ gia đình đã áp dụng thực hiện mô hình đạt hiệu quả, có thêm việc làm, thu nhập ổn định.
 
 
Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp tổ chức hội thảo sử dụng phân bón vi sinh; giới thiệu du học Nhật Bản; tổ chức tập huấn KHKT, kỹ năng cho trên 600 lượt hội viên, nông dân về tổ chức du lịch miệt vườn, an toàn vệ sinh lao động...
 
 
Có thể nói, phần lớn nông dân đã qua đào tạo nghề đã phát huy được những kiến thức cơ bản vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực, làm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, tăng thu nhập gia đình. Nhiều nông dân tự tạo được việc làm, mạnh dạn chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1