image banner
Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển
Lượt xem: 7069
(MTNT)- Thời gian qua, nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển cũng không ngừng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và nhiều mặt của đời sống xã hội.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường biển (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Theo Tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, dải ven biển hay đới bờ tại Việt Nam có nhiều nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm. Hầu hết những chất gây ô nhiễm đều từ đất liền đổ ra sông và theo dòng sông đổ ra biển; bao gồm nước thải sinh hoạt trực tiếp từ khu vực đô thị, thành phố ven biển, nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ven biển trực tiếp hay qua cống thải ngầm dưới biển, nước thải, dầu thải, hóa chất của tầu thuyền trên biển. Sự cố dầu tràn của dàn khoan khai thác, tầu vận tải chuyên chở dầu.
 
 
Nước ta có tới trên 100 con sông, trong đó hơn 10 con sông đang ở mức độ ô nhiễm nặng, điển hình như sông Cầu, sông Đáy, sông Thị Vải… Tất cả các con sông đều đổ ra biển, kéo theo đó là nguồn ô nhiễm từ đất liền như chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, rác, phế thải vật liệu xây dựng…
 
 
Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hàng năm các con sông thải ra biển 880 km3 nước và 270-300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển như các chất hữu cơ, dinh dưỡng, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và đô thị, các khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Những loại rác không phân hủy được trôi nổi ven biển, lắng xuống đáy biển, rác phân hủy được sẽ hòa tan và lan truyền trong toàn khối nước biển. Ngoài ra các khu du lịch phát triển nhanh nhưng thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý nước thải, chất thải…cộng với ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản một cách bừa bãi, nạn khai thác titan ồ ạt đã và đang tác động xấu đến môi trường biển.
 
 
Tại Thái Bình, với bờ biển dài 54 km, theo kết quả quan trắc của Chi cục Biển phối hợp với Trung tâm Quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN&MT tỉnh Thái Bình thực hiện thời gian gần đây cho thấy, môi trường nước vùng ven biển tỉnh Thái Bình có dấu hiệu ô nhiễm do phát hiện nồng độ nhu cầu ô xy hóa học (COD), nồng độ chất rắn lơ lửng (TSS), hàm lượng kim loại mangan (Mn), hàm lượng kim loại đồng (Cu), hàm lượng kim loại kẽm (Zn) tăng cao so với quy định cho phép đối với khu vực nuôi trồng thủy sản và bảo tồn biển (QCVN 10: 2008/BTNMT).
 
 
Tại Quảng Ninh, với đường bờ biển dài 250km, vùng biển rộng trên 6.000km2. Thời gian qua, việc phát triển nhanh và "nóng" của một số ngành kinh tế tạo ra nguồn thải lớn. Điển hình là ngành than, dù đã cơ bản thu gom, xử lý được nước thải mỏ nhưng các nguồn nước mặt rửa trôi bãi thải, đường chuyên dùng, bến bãi ven biển… vẫn chưa được thu gom, xử lý triệt để. Thế nên mỗi khi mưa lũ, bùn đất và các chất ô nhiễm vẫn "vô tư" trôi thẳng xuống biển. Trong hoạt động du lịch, rác, nước thải la-canh của 553 tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đã gây áp lực lớn với môi trường biển. Ngoài ra, còn nhiều hoạt động gây tác động xấu tới môi trường biển như các nhà hàng, bè nổi phục vụ du lịch ven bờ vịnh, các phương tiện kinh doanh xăng dầu (cả có phép và không phép)…
 
 
Tại Ninh Thuận, với bờ biển dài hơn 105 km, tại các địa phương vùng ven biển như: Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh, huyện Thuận Nam; Thanh Hải, Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải; phường Đông Hải, Mỹ Hải, Mỹ Đông, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm…, tình trạng người dân biến bãi biển thành nơi đổ rác thải vẫn phổ biến, làm cho môi trường biển đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 
 
Theo các nhà khoa học, tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển là do con người và tự nhiên, được phân thành các nhóm: từ lục địa mang đến; các chất thải ở vùng ven và trên biển đổ ra; từ không khí đưa xuống và tác động do biến đổi địa chất từ đáy biển đẩy lên,… trong đó, tác nhân do con người là chủ yếu và nghiêm trọng nhất.
 
 
Điển hình là sự cố xả thải của Formosa đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái. Theo các nhà khoa học có khả năng 50% rạn san hô bị phá hủy và mất ít nhất 50 năm hệ sinh thái biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế mới có thể phục hồi như trước. Đối với các sự cố môi trường ở diện tích, khu vực nhỏ, để phục hồi các rặng san hô đã chết bởi nhiễm hóa chất độc sẽ phải dọn sạch hoặc di dời sang môi trường khác để phục hồi. Còn với những khu vực có diện tích bị nhiễm độc rộng sẽ tạo môi trường, tạo cá thể, dùng nguồn san hô ở nơi khác để cấy.
 
 
Việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp bách cần được chú trọng hiện nay. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm biển có nguồn gốc từ biển và từ đất liền, phải ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng tại các điểm, khu vực, vùng bị ô nhiễm và suy thoái nặng ở các lưu vực sông, các khu, cụm công nghiệp ven biển; đồng thời chú trọng công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải, khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí, khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển… tại 28 tỉnh, thành phố có biển.
 
 
Trong số những lợi ích mà biển mang lại, các yếu tố môi trường biển, các Hệ sinh thái và Đa dạng sinh học đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, cần chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm biển kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; tăng cường bảo tồn Đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường (2004) liên quan tới quy định các hành vi huỷ hoại môi trường bị nghiêm cấm trong các điều 14 - 16, 20 - 29,... áp dụng cho vùng biển.
 
 
Tiến hành quan trắc định kỳ và lập lại để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, kịp thời cảnh báo để xử lý và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường. Ngoài hệ thống quan trắc môi trường biển quốc gia, gần đây Chính phủ đang đầu tư xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển bằng Rada tích hợp (18 trạm dọc biển, đảo).
 
 
Xây dựng và áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác.
 
 
Các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho rằng, phương thức quản lý nguồn lợi biển dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại một số địa phương có biển như Ninh Bình, Nam Định, Kiên Giang… là phương thức hiệu quả, ít tốn kém để duy trì và quản lý nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác, cũng như nhu cầu sinh kế của con người. Thông qua mô hình này, cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong việc quản lý các nguồn lợi ven biển. Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý và bảo tồn hiệu quả các nguồn lợi biển.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1