Bình Định: Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
Thứ Sáu, 09/05/2025 16:46
Lượt xem: 834
(Cổng ĐT HND) – Ông Trần Văn Cảnh, hội viên, nông dân ở thôn Mỹ Thành, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, đã gây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp hiệu quả, ổn định và bền vững. Nhờ đó, ông vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
Ông Cảnh đang chăm sóc tiêu
Tiếp đón chúng tôi ngay tại vườn tiêu đang trĩu quả, ông Cảnh bộc bạch: "Gia đình có hơn 200 trụ tiêu đã cho thu hoạch ổn định, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trông vào cây tiêu thì cuộc sống chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường".
Với suy nghĩ ấy, ông quyết định tìm tòi, học hỏi thêm nhiều mô hình kinh tế khác để mở rộng quy mô sản xuất. Sau thời gian nghiên cứu, học hỏi mô hình ở các địa phương lân cận, năm 2019, ông Cảnh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, cộng với số vốn tích lũy của gia đình để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Ông chọn phát triển các loại cây trồng có giá trị như dừa xiêm, chuối lùn, đu đủ, cau, kết hợp nuôi heo thịt và nuôi ong lấy mật.
Mỗi loại hình đều được ông nghiên cứu kỹ về kỹ thuật, đặc điểm sinh trưởng cũng như thị trường đầu ra. Đặc biệt, ông chú trọng ứng dụng kỹ thuật mới và tận dụng nguồn phân chuồng hữu cơ từ chăn nuôi để bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí và tăng năng suất.
Sau hơn 5 năm miệt mài đầu tư và chăm sóc, đến nay ông Cảnh đã hình thành mô hình tổng hợp trên diện tích hơn 10.000 m² với cơ cấu sản xuất cụ thể: 300 cây dừa xiêm đã cho trái, 500 cây chuối lùn đang cho thu hoạch, 350 cây đu đủ thu hoạch ổn định, 450 cây cau đã có quả, 200 trụ tiêu đang vào mùa thu hoạch, 50 con heo thịt nuôi theo lứa và 20 thùng ong lấy mật. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông Cảnh từ mô hình tổng hợp đạt từ 400 – 450 triệu đồng sau khi trừ chi phí – một con số ấn tượng đối với mô hình kinh tế nông hộ ở nông thôn.
Bên cạnh đó, ông Trần Văn Cảnh còn tận tình hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong, trồng trọt cho nhiều hội viên nông dân trong xã. Đến nay, ông đã hỗ trợ mô hình nuôi ong cho gần 10 hộ, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra, ông còn là hội viên gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nông dân; vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Với những đóng góp thiết thực trong sản xuất và phong trào nông dân tại địa phương, vừa qua (tháng 4.2025), ông Trần Văn Cảnh được UBND tỉnh Bình Định tặng Bằng khen vì đã có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nông dân xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động năm 2024.
Minh Khoa