image banner
Hội ND Đồng Nai: Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua ở cấp cơ sở
Lượt xem: 139
(Cổng ĐT HND) –  Trong các phong trào do các cấp Hội phát động và triển khai, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn được xác định là phong trào trọng tâm, xuyên suốt, được các cấp Hội trong tỉnh triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

 

Anh-tin-bai

Thông qua phong trào đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

 

Để phong trào thực sự đi vào chiều sâu, các cấp Hội đã tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào nhằm nâng cao nhận thức cũng như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh. Ngay từ đầu năm, các cấp Hội tổ chức phát động và hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký thi đua đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 

Qua bình xét hàng năm, số hộ hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp liên tục tăng lên. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có trên 95.000 hộ tham gia đăng ký thi đua, hơn 54.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (vượt trên 20% so với chỉ tiêu do Trung ương Hội NDVN giao). Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở địa bàn nông thôn giảm mạnh, đến nay còn dưới 0,09%.

 

Cùng với đó, Hội ND tỉnh đã chủ động phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX tỉnh... tổ chức triển khai nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả. Cụ thể như: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; đào tạo nghề; khuyến nông; chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng nhiều mô hình, dự án phát triển các giống cây, con chủ lực của tỉnh theo tiêu chuẩn VietGap…

 

Trên cơ sở các chương trình phối hợp đã được ký kết, Hội ND tỉnh còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn cùng triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Qua đó nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, thoát nghèo, vươn lên khá giả, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần. Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới.

 

Tính đến nay, thông qua nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã giải ngân 115,97 tỷ đồng, cho 2.521 hộ hội viên, nông dân vay vốn để triển khai thực hiện 260 dự án nhóm hộ. Thu nhập của các hộ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân không ngừng tăng lên so với trước khi tham gia dự án, ước tính bình quân thu nhập tăng trung bình từ 10- 15%/năm. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hơn 7,4 ngàn lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của các địa phương.

 

Mặt khác, Hội ND tỉnh đã vận động hơn 10 ngàn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tích cực giúp đỡ cho hơn 4 ngàn hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn được vay vốn 75,2 tỷ đồng (lãi suất 0%); hỗ trợ trên 60.000 ngày công cùng các vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, cây, con giống, lương thực...), trị giá hơn 476 tỷ đồng.

 

Thông qua phong trào đã giúp cho nhiều hội viên, nông dân có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Phong trào được triển khai rộng rãi còn góp phần xây dựng hình mẫu người nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm, biết cùng nhau liên kết, hợp tác trong sản xuất để tạo nên năng suất, hiệu quả kinh tế cao. 

 

Tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình hay của các hội viên, nông dân giỏi, được các cấp Hội tích cực tuyên truyền và triển khai nhân rộng. Điển hình như: Hộ ông Lê Văn Quyết ở khu Phước Hải, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) thành công với mô hình nuôi gà công nghệ cao theo chuỗi liên kết; lợi nhuận thu về đạt 30 tỷ đồng/năm, giúp tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

 

Hộ ông Nguyễn Huy Bình ở xã Phước An (huyện Nhơn Trạch) lại thành công với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, mức lợi nhuận thu được bình quân hàng năm khoảng 6 tỉ đồng, tạo việc làm cho 10 - 20 lao động địa phương có thu nhập từ 7-12 đồng/người/tháng.

 

Hộ gia đình ông Lý Minh Hùng ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) với mô hình trồng, sản xuất giống chuối già lùn Nam Mỹ phục vụ xuất khẩu, thu nhập hàng năm đạt khoảng 2- 3 tỷ đồng; mô hình còn giúp tạo việc làm cho trên 60 lao động địa phương. Từ những kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, phổ biến cho hàng trăm hộ dân khác để cùng học tập và làm theo...

 

Nhờ triển khai tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đến nay, mức thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn của tỉnh ước đạt 64,7 triệu đồng/người/năm, tăng 25% so với đầu nhiệm kỳ.

 

Các cấp Hội còn đứng ra chỉ đạo, hướng dẫn thành lập mô hình các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp cho thấy đã phát huy hiệu quả rõ nét. Các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực với nhiều mô hình mới như: Trồng dưa trong nhà màng; trồng mít hữu cơ; sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với tổ Hội nghề nghiệp du lịch sinh thái vườn…

 

Sự ra đời của các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp chính là hướng đi mới hết sức cần thiết, thể hiện sự đổi mới trong phương thức tập hợp hội viên, nông dân; tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa hội viên với hội viên, sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội.

 

Hoạt động của các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp đang tập trung vào việc trao đổi thông tin các loại giống cây trồng, phòng trừ dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm. Có những chi, tổ Hội tuy mới thành lập nhưng các thành viên đều là những hội viên, nông dân giàu kinh nghiệm, có kiến thức về khoa học kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cao thu nhập hàng năm và tạo việc làm cho nhiều lao động.

 

Các cấp Hội đã hướng dẫn và phát triển được 207 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm; xây dựng được 6/8 mô hình đạt chứng nhận hữu cơ; hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao… Thông qua đó, giúp nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu nguyện vọng hội viên, nông dân; tạo được mối liên kết chặt chẽ nhằm xây dựng các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp ngày càng vững mạnh.

 

Với việc vận động hội viên, nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, phát huy được các thế mạnh sẵn có của từng địa phương để tạo ra các vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh việc tập trung sản xuất những sản phẩm đặc sản tiêu biểu giúp nâng cao giá trị và thu nhập cho người sản xuất.

 

Năm 2024, Hội ND tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch, đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, sát thực; trong đó tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp theo Quyết định số 182 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.

 

Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hành động của hội viên, nông dân người dân trong tỉnh về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn…

Quang Trung
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1