image banner
Nông dân Nam Định làm giàu từ mô hình kinh tế tập thể, có nông dân 9X thu nhập 6 tỷ/năm
Lượt xem: 421
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã chú trọng vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, từ đó giúp hội viên, nông dân tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo việc làm và tăng thu nhập.

 

Hội Nông dân Nam Định đồng hành hỗ trợ phát triển các HTX

Anh Vũ Đình Kiên (SN 1990) ở xã Trực Nội, huyện Trực Ninh, là điển hình nông dân giỏi của tỉnh Nam Định. Anh Kiên cho biết sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về quê quyết định tập trung đầu tư vào nông nghiệp dù biết con đường lựa chọn rất vất vả và gian nan.

Được Hội Nông dân vận động, tháng 4/2017, anh Kiên thành lập HTX dược thảo Hoàng Thành Nam Định, ban đầu hoạt động sản xuất lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu hoa hòe cùng các dịch vụ nông nghiệp: Gieo sạ, cấy lúa bằng máy, phun thuốc bằng máy bay, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, sấy thóc với lò sấy 20 tấn/mẻ, một năm sấy được 800 tấn.

 

Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm cùng đoàn công tác thăm mô hình sản xuất nước mắm của thành viên chi hội nghề nghiệp chế biến thủy sản xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: Đức Thịnh

 

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tiếp tục hướng dẫn và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, hỗ trợ giúp các HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi theo quy định, khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất và kinh doanh... góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Từ thành công này, anh Kiên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết với các HTX và nông dân mở rộng sản xuất. HTX phát triển diện tích sản xuất trực tiếp 10ha, diện tích liên kết 40ha, thu mua lúa tươi 250-400 tấn/vụ. HTX sản xuất lúa gạo xuất đi các tỉnh miền Bắc 30-40 tấn/tháng, mỗi năm cung ứng 400 tấn gạo, chủ lực là gạo Bắc thơm, doanh thu khoảng 6 tỷ đồng. Sản lượng dược liệu hoa hòe hàng năm khoảng 5 tạ.

HTX đã thu hút, tạo việc làm ổn định cho 7-10 lao động với mức thu nhập hàng tháng từ 6-7 triệu đồng/người; vào mùa thu hoạch lượng lao động mùa vụ tăng lên 10-15 người để phục vụ cho việc thu mua sản phẩm và tổ chức sấy lúa tươi đảm bảo theo thời gian quy định.

HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (gọi tắt là HTX nấm Tuấn Hiệp) là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc năm 2023 do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập. 

Anh Vũ Tuấn Hiệp - Giám đốc cho biết: "HTX được thành lập từ năm 2014 với 7 thành viên tham gia, hoạt động theo Luật HTX 2012. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, số lượng thành viên tham gia đã lên đến 12 thành viên. Hiện nay HTX đang sản xuất nấm sò, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm linh chi, mộc nhĩ… trên diện tích hơn 3.000m2. Trong đó, nấm đùi gà, nấm sò là 2 dòng nấm chủ lực của HTX".

Trung bình, mỗi năm HTX nấm Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn nấm các loại; với giá bán trung bình 160.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, 800.000 đồng/kg nấm linh chi khô, 35.000 - 40.000 đồng/kg nấm sò tươi, 50.000 đồng/kg nấm đùi gà tươi…

HTX nấm Tuấn Hiệp đang sở hữu 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, hạng 3 sao; gồm: Nấm sò trắng Tuấn Hiệp, Nấm sò nâu Tuấn Hiệp, Nấm Linh chi Xuân Thủy, Mộc nhĩ thái sợi Tuấn Hiệp, Nem nấm Tuấn Hiệp, Giò nấm Tuấn Hiệp.

 

HTX ở Nam Định tham gia chuyển đổi số

Cùng với ứng dụng khoa học kỹ thuật, các HTX trên địa bàn tỉnh Nam Định còn tích cực tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp. Điển hình như HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu, xã Hải Lý (Hải Hậu) đã chú trọng đến việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki hay mạng xã hội Facebook và được áp dụng hình thức thanh toán COD (thu tiền khi nhận hàng) hoặc chuyển tiền qua ngân hàng điện tử.

Ngoài ra, sản phẩm "Nước mắm Nhà thờ đổ" của HTX còn được gắn tem QR giúp người tiêu dùng có thể quét mã truy xuất nguồn gốc, minh bạch chất lượng hàng hóa. Hiện nay, sản phẩm này của HTX đang được nhiều người tiêu dùng biết tới, mỗi năm tiêu thụ trên 200.000 lít nước mắm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định cho biết: "Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HNDT về vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết chuỗi giá trị giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo. Hội cũng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/HNDTW về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp giai đoạn 2020-2025".

Đến nay, tỉnh có 203 mô hình HTX, tổ hợp tác với 2.833 thành viên; 145 mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 2.100 thành viên; 399 mô hình cánh đồng lớn diện tích 18.599ha, trong đó 3.916ha được bao tiêu sản phẩm.

Nguồn bài viết: Danviet.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1