image banner
Bình Định: Thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn
Lượt xem: 594
 (Cổng ĐT HND) –Đó là mô hình mang lại nguồn thu nhập khá cho ông Nguyễn Quốc Hưng ở thôn Xuân An – xã Cát Tường – huyện Phù Cát - Bình Định.
Anh-tin-bai

Nuôi lươn không bùn cho hiệu quả cao hơn nhiều so với các vật nuôi khác

 

Ban đầu, ông Hưng vào Bến Tre mua 15.000 con lươn giống về thả nuôi. Tuy nhiên, do chất lượng giống không tốt và ảnh hưởng của quá trình di chuyển nên tỷ lệ hao hụt lớn, lươn nuôi phát triển chậm và hiệu quả mang lại không cao. Không nản chí, ông Hưng tìm mọi cách để chinh phục con lươn không bùn và ông nhận thấy ngoài năm vững kỹ thuật phòng bệnh, chăm sóc thì con giống đóng vai trò quan trọng nên ông quyết định tự sản xuất giống tại chỗ. Từ số lươn nuôi thương phẩm, ông chọn ra gần 300kg lươn chất lượng để nuôi sinh sản.

 

Rút kinh nghiệm qua thực tế và học hỏi từ những người nuôi có hiệu quả, ông đã thực hiện thành công quy trình sản xuất lươn giống để chủ động trong việc nuôi lươn thương phẩm của mình. Từ số lươn sinh sản lựa chọn, nhờ chăm sóc đầy đủ nên đã đẻ trứng đều, trứng sau khi đẻ được ông thu gom, đem ấp nở và sau 3 tháng nuôi dưỡng sẽ đưa ra bể nuôi lươn thương phẩm, sau đó nuôi tiếp khoảng 6 tháng nữa thì thu hoạch, lươn đạt trọng lượng từ 200 – 250gam/con (4 – 5 con 1kg).

 

Hiện, mỗi lứa ông Hưng thả nuôi 10 bể với 20.000 con lươn thương phẩm, mỗi bể rộng khoảng  5m2, cao 0,6m, thả nuôi 2000 con. Sau khoảng 6 tháng nuôi cho thu hoạch khoảng 4 tấn lươn thương phẩm (200gam/con), với giá bán hiện tại 120 nghìn đồng/kg, cho thu nhập 480 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, ông thu lãi khoảng 240 triệu đồng.

 

Đồng thời, từ lươn thương phẩm, ông lựa chọn để duy trì khoảng 500kg lươn sinh sản để tạo giống, không những đáp ứng nhu cầu lươn giống của mình mà bình quân mỗi tháng ông còn xuất bán ra thị trường 10.000 con lươn giống, với giá 4000 đồng/con (kích cỡ 400 – 700 con/kg), thu về thêm 40 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích đất đai và nguồn nước thải ra từ nuôi lươn, ông còn trồng rau quả sạch và đều sinh trưởng phát triển tốt, được thị trường ưa chuộng thu mua với giá gấp 2 – 3 lần giá ngoài thị trường nên tạo thêm nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 

Ông Nguyễn Quốc Hưng chia sẻ: Nuôi lươn không bùn khá nhàn mà hiệu quả lại cao hơn nhiều so với các vật nuôi khác. Mỗi ngày chỉ cần cho ăn và thay nước 1- 2 lần, thực hiện sát khuẩn định kỳ là lươn phát triển tốt. Về thức ăn thì ngoài cám công nghiệp,  tôi nuôi thêm cá trê lai xay làm thức ăn tươi cho lươn nên lươn lớn rất nhanh. Hiện tại, đầu ra của lươn giống lẫn lươn thịt đều rất mạnh, sản xuất tới đâu đều bán hết đến đó, chủ yếu là các tỉnh miền nam và một số huyện trong tỉnh.

 

Để nâng cao giá trị của lươn nuôi, hiện ông đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao hứa hẹn sẽ mở rộng ra nhiều thị trường. Ngoài ra, ông cũng đang triển khai xây dựng hệ thống nuôi lươn tuần hoàn khép kín để tiết kiệm nguồn nước, giảm công chăm sóc, hạn chế dịch bệnh và tận dụng nguồn nước thải để mở rộng diện tích trồng rau, quả sạch nhằm khai thác tối đa diện tích đất đai, tăng thu nhập cho gia đình.

 

Ngoài làm giàu cho gia đình, với kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình về nuôi lươn không bùn, ông Hưng sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập, áp dụng. Đã có nhiều người đến mua lươn giống, được ông hướng dẫn cách nuôi dưỡng và đã áp dụng có hiệu quả.

 

Ông Trần Văn A – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Tường cho biết: “Mô hình nuôi lươn không bùn của ông Nguyễn Quốc Hưng là một mô hình mới nhưng rất hiệu quả, đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương bằng những cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao.

 


Trường Giang
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1