image banner
Đồng Nai: Hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, liên kết theo chuỗi giá trị
Lượt xem: 940
(Cổng ĐT HND)- Năm năm qua (2018-2023), công tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, liên kết theo chuỗi giá trị của các cấp Hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Anh-tin-bai
Hội đã tổ chức nhiều hình thức tập huấn, hội thảo nhằm hướng dẫn nông dân các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị...

 

 

Nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế và liên kết theo chuỗi giá trị, các cấp Hội đã tuyên truyền, tập huấn đến hội viên, nông dân các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước như: Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các chính sách cụ thể hóa của tỉnh nhằm thực hiện chỉ đạo của Trung ương, trong đó tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí mua vật tư hệ thống tưới (01 lần đối với phần diện tích chưa được hỗ trợ). Nhờ đó, hội viên, nông dân đã nhận thức và chủ động tham gia vào quá trình xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao dựa trên kinh nghiệm và sự tiếp thu công nghệ mới.

 

 

Hội còn tổ chức nhiều hình thức tập huấn, hội thảo nhằm hướng dẫn nông dân các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế (trồng trọt sang chăn nuôi, dịch vụ), các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (liên kết sản xuất, liên kết sản xuất với chế biến, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm… ); tổ chức tọa đàm khoa học trao đổi giữa nhà khoa học với nông dân, giữa nông dân với nông dân.

 

 

Các cấp Hội đã chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các ngành địa phương hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất như: Nuôi tôm công nghệ cao, gà thả vườn; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi (chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín); trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong công tác phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bùng phát, lây lan.

 

 

Thực hiện Đề án 24 về xây dựng chi, tổ Hội nghề nghiệp và Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành TW Hội (khóa VII), các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được 288 tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ năng suất cao với 3.680 thành viên; 96 chi Hội nghề nghiệp với 1.967 thành viên, 310 tổ Hội nghề nghiệp với 3.356 thành viên.

 

 

Hội còn phối hợp với các phòng giao dịch ngân hàng CSXH nhận ủy thác cho 69.354 lượt hộ vay trên 2.264 tỷ đồng; phối hợp với ngân hàng NN&PTNT chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho 3.566 hội viên, nông dân vay 314.016 triệu đồng; cho vay Quỹ HTND các cấp trong tổng nguồn vốn 127,13 tỷ đồng giúp hội viên, nông dân đầu tư phát triển, đào tạo nghề, liên doanh liên kết, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, cung ứng vật tư nông nghiệp.

 

 

Tiêu biểu như mô hình: Hội ND giới thiệu doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với hơn 6.228 tấn phân bón, 8.478 tấn vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, 348 tấn giống các loại và 22 máy nông nghiệp; xây dựng chuỗi liên kết với nhiều hình thức phù hợp (liên kết sản xuất; sản xuất - tiêu thụ; sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm); xây dựng nhãn mác, thiết kế bao bì sản phẩm. Nhìn chung các khoản hỗ trợ đã kịp thời đến với các đối tượng thụ hưởng, tạo sự phấn khởi và kích thích hội viên, nông dân tham gia phát triển sản xuất. 

 

 

Các hoạt động trên đã góp phần phát triển nhanh hệ thống dịch vụ phục vụ nông nghiệp, các loại hình kinh tế (trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác) tiếp tục được hình thành và thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; phát triển chuỗi liên kết đạt kết quả tích cực, thúc đẩy tính chuyên môn hóa, mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 200 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

 

 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp… nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của hội viên, nông dân. 

Thế Long
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1