image banner
Quảng Trị: Vai trò của Hội Nông dân trong việc hỗ trợ hội viên, nông dân chuyển đổi số
Lượt xem: 534
(Cổng ĐT HND) – Xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là khâu quan trọng để nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, ngày 04/11/2021 Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh về ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Anh-tin-bai

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 9 sản phẩm có khả năng đạt OCOP năm 2023

 

Nhận thức sâu sắc về xu hướng phát triển, vai trò to lớn của chuyển đổi số đối với sự phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới cũng như những khó khăn thách thức của người nông dân trong việc tiếp cận, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân trong ứng dụng chuyển đổi số và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

 

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Nông thôn hỗ trợ trao hơn 1.264.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 79 cơ sở, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, cụ thể phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hỗ trợ thiết lập hệ thống tạo mã truy xuất nguồn gốc điện tử và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hướng dẫn lập hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của xã gắn với vùng nguyên liệu được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương tại các xã dự kiến về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo từng năm; các sản phẩm đã được hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc như gạo, cà phê, cao dược liệu, hồ tiêu, măng, chuối, hạt ném (hành tăm), hạt sen, bột ngũ cốc, các loại đậu,  nước mắm, cá khô; sản phẩm từ thịt gà…

 

Các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong phát triển kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp; năm 2022 Hội Nông dân tỉnh tổ chức ký kết Thỏa thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh triển khai “Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”.

 

Qua 2 năm triển khai thực hiện, Hội đã rà soát, hỗ trợ 10.000 hộ nông dân tạo tài khoản mua, bán hàng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART.VN (nay là Sàn BUUDIEN.VN), thiết lập 70 gian hàng với hơn 450 sản phẩm nông nghiệp an toàn của hơn 80 nhà cung cấp trong tỉnh do Hội Nông dân kết nối, chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn chất lượng lên sàn thương mại điện tử và xây dựng 11 gian hàng nông sản an toàn trực tiếp tại hệ thống của bưu điện và tại trụ sở Hội Nông dân tỉnh nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản an toàn cho bà con nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

 

Để đạt được kết quả trên, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức lồng ghép vào các hội nghị, tập huấn, đào tạo, sự kiện của Hội Nông dân để tổ chức tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp cách mở tài khoản, tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… cho hơn 5.000 cán bộ, hội viên nông dân đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đem lại hiệu quả thiết thực.

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

 

Năm 2023 Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty cổ phần Phát triển Dược khoa (Hà Nội) khảo sát, đánh giá, lựa chọn 9 sản phẩm có khả năng đạt OCOP nhằm hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch kinh doanh để duy trì, nâng sao cho sản phẩm; hỗ trợ thiết kế, in ấn bao bì, nhãn mác; hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký mã số, mã vạch, bảo hộ nhãn hiệu, bao gồm các sản phẩm: Ngũ cốc tinh nghệ dinh dưỡng Hùng Dung; hương thảo mộc VT; ném Vĩnh Linh; dưa muối Vĩnh Tú; bột sắn dây Vĩnh Linh; cà gai leo Mai Thị Thủy; chuối sấy dẻo; cà phê phin giấy Ta Lư Khe Sanh; gạo Vĩnh Lâm…

 

Từ những hỗ trợ về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp đã tạo ra độ tin cậy cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở cung cấp nông sản sạch và hàng hóa đạt chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

 

 Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của Hội Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhằm giúp hoàn thiện chỉ tiêu 13.3 trong Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới và chỉ tiêu 13.4 trong Bộ tiêu chí xã Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.

 

Theo ông Lê Văn Mẫn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng hệ thống truy suất xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp là cơ hội và thách thức đối với nông dân… Thời gian tới, cần nâng cao vai trò của Hội Nông dân hỗ trợ nông dân nhằm tiến tới phát triển một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông  cho cán bộ và hội viên nông dân nhận thức đầy đủ về vai trò của chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân, trước hết là các sản phẩm OCOP…

 

 

 

Trần Thúy
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1