image banner
Hội ND Thanh Hóa đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với nông dân
Lượt xem: 675
(Cổng ĐT HND) – Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội”, Hội ND tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đưa tín dụng chính sách đến gần hơn với hội viên, nông dân. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội, thúc đẩy các phong trào thi đua ngày càng phát triển.

 

Anh-tin-bai

Vốn chính sách tiếp sức cho nông dân Thanh Hóa

 

Đến ngày 30/4, dư nợ với Ngân hàng CSXH do Hội ND quản lý là 4.735,6 tỷ đồng (tăng 2.139,4 tỷ đồng so với năm 2014, đạt 183%) có 2.244 Tổ TK&VV với 84.169 thành viên. Trong đó: Có 2.069 tổ Tốt, 135 tổ Khá, 38 tổ Trung bình, 02 tổ Kém (tổ Tốt đạt tỷ lệ 92,2%; năm 2014 đạt 58%); nợ quá hạn 4,02 tỷ đồng (tỷ lệ 0,08%; giảm 0,25% so với năm 2014).

 

Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH phát huy hiệu quả, Hội ND tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp như: Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV; thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng, các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích. Đặc biệt, Hội luôn quan tâm giúp đỡ các hộ là hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo được vay vốn để phát triển kinh tế.

 

Từ những "điểm tựa" về vốn, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập ổn định, giúp nông dân từng bước thoát nghèo. Trên diện tích gần 4.000m2 nhà màng của hộ ông Lê Văn Thượng- thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh (xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân) là những luống dưa Kim hoàng hậu sai trĩu quả, quả nào quả ấy căng mọng, đều tăm tắp.

 

Năm 2021, khi Hội ND huyện tuyên truyền, động viên, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho hội viên, nông dân dồn điền, đổi thửa, tích tụ đất đai sản xuất quy mô lớn. HTX dịch vụ tổng hợp Thọ Thanh đấu mối liên doanh, liên kết với Nhà máy đường Lam Sơn để nhà máy hỗ trợ các hộ dân một phần vốn đầu tư xây dựng nhà màng, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Gia đình ông Thượng được Ngân hàng CSXH hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng theo chương trình giải quyết viêc làm. Đến nay, mô hình phát triển tốt, sản lượng bình quân đạt 4,5 - 5 tấn/vụ, mang về thu nhập khoảng hơn 300 triệu đồng/năm.

 

Hộ bà Lê Thị Huệ ở xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa  hiện là chủ cơ sở sản xuất bánh đa nem cũng được hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách. Bà cho biết: Những năm trước đây, gia đình tôi tráng bánh thủ công nên năng suất không cao. Được Hội ND cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Từ đó, tăng năng suất gấp 3 lần so cách làm thủ công trước đây, doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

 

Từ những hiệu quả đạt được đã khẳng định sự gắn bó chặt chẽ, mật thiết giữa Ngân hàng CSXH và các cấp Hội ND tỉnh Thanh Hóa, góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và nắm bắt thị trường. Các cấp Hội có thêm điều kiện, nguồn lực để tập hợp, đoàn kết nông dân, xây dựng các chi, tổ Hội ND; hoạt động và phong trào nông dân trở nên thiết thực hơn, thu hút nhiều nông dân vào tổ chức Hội, góp phần phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong các phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Lương Hà
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1