image banner
Hội ND Thanh Hóa: Gắn công tác dạy nghề với hỗ trợ giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân
Lượt xem: 1352
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, thực hiện Quyết định 1956/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Hội ND tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, cụ thể. Qua đó, góp phần đáng kể vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; đồng thời, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân.

Hôi viên, nông dân được đào tạo nghề, tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi góp phần giúp gia tăng giá trị kinh tế


 
Theo đó, tỉnh Hội chủ động phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội, các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh, các công ty, đơn vị đóng trên địa bàn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và hỗ trợ tìm việc làm đầu ra cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, cùng với việc tích cực quan tâm tới công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân cũng như mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, Hội ND tỉnh còn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động như: Dịch vụ; dạy nghề; tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất… Từ đó, góp phần hình thành nên nhiều mô hình kinh tế hợp tác, xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất cho đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm…

 
Đến nay, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân của các cấp Hội trong tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều phong trào có ý nghĩa thiết thực, mang lại những tác động tích cực đến đời sống và cả lĩnh vực sản xuất của bà con nông dân; đồng thời, góp phần thúc đẩy các phong trào do Hội phát động, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở khu vực nông thôn.  

 
Trong những năm qua, Trung tâm đã tổ chức đào tạo 79 lớp nghề ngắn hạn (loại hình 3 tháng) và cấp chứng chỉ nghề cho 2.560 lao động. Trong đó, có 21 lớp học tổ chức trực tiếp ngay tại Trung tâm còn 58 lớp được phối hợp tổ chức linh hoạt tại các doanh nghiệp, các xã, các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời với đó, Trung tâm còn đứng ra ký hợp đồng với phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, phòng Nông nghiệp của các huyện, thị để phối hợp tổ chức dạy nghề cho hội viên, nông dân trong tỉnh.

 
Các ngành nghề đào tạo được bố trí sao cho phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng cũng như gắn với tạo việc làm tại chỗ hoặc nhu cầu sử dụng lao động của thị trường như: Nghề may công nghiệp; trồng trọt, nông, lâm nghiệp; chăn nuôi thú y; tiểu thủ công nghiệp… Nhờ đó, sau khi học nghề, đa số các lao động đều được Trung tâm giúp đỡ tìm kiếm việc làm ổn định cả ở thị trường trong nước cũng như được xét tuyển đưa đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

 
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức 12 lớp dạy tiếng Hàn Quốc cho trên 300 lao động có nhu cầu dự thi tuyển để đi lao động có thời hạn ở nước bạn; mở 16 lớp tập huấn kỹ năng tuyên truyền học nghề, dạy nghề cho 1.932 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp để thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng ngàn lượt người, xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả.

 
Song song với đó, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, giáo dục định hướng và tạo nguồn xuất khẩu lao động cũng được tiến hành thường xuyên. Trung tâm đã chủ động liên kết với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp hơn 82.000 tờ thông báo tuyển lao động nông thôn đi làm việc ở các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu đi làm việc tại một số thị trường nước ngoài. Tổ chức tư vấn cho hơn 125.000 lao động về các lĩnh vực gồm: Chính sách; chế độ; luật pháp; nhu cầu thị trường về lao động cả trong và ngoài nước…

 
Thông qua sự giới thiệu của các cơ quan quản lý Nhà nước, Trung tâm đã liên kết với các đơn vị có chức năng tuyển lao động để giới thiệu cho những lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm ngoài nước. Kết quả, Trung tâm đã trực tiếp mở được 85 lớp đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng với số lượng 4.160 lao động; đồng thời, giới thiệu cho 1.670 lao động tìm việc làm ở trong nước, giới thiệu đi lao động có thời hạn ở nước ngoài được 2.572 lao động. Qua đó, góp phần tích cực vào chương trình dạy nghề, xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm của tỉnh.

 
Cùng với việc quan tâm tới công tác đào tạo nghề, các cấp Hội còn tích cực chỉ đạo việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khoa học, hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên, nông dân trung bình mỗi năm 300.000 lượt người; tổ chức hơn 200 cuộc hội thảo đầu bờ cho 10.000 lượt người tham gia. Đến nay, đã tổ chức được khoảng 21.004 lớp tập huấn với 1.560.198 lượt người được chuyển giao khoa học kỹ thuật.

 
Trung tâm đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất… Việc làm này có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, phát triển sản xuất, mở rộng các ngành nghề, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo; góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động ở địa bàn nông thôn. 

 
Có thể thấy, hoạt động đào tạo nghề của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh nói riêng, của Hội ND tỉnh nói chung đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước đáp ứng được nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân trên địa bàn. Thông qua hoạt động dạy nghề và các dịch vụ hỗ trợ nông dân, các cấp Hội trong tỉnh đã triển khai, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.


 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1