image banner
Khó khăn trong xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại thuốc lá
Lượt xem: 1080
(Cổng ĐT HND)- Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành, Việt Nam hiện có 45,3% người hút thuốc lá. Dù các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực hưởng ứng đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào cuộc sống, nhưng tính nghiêm minh và chế tài xử lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Nhiều phương tiện giao thông công cộng tình trạng hút thuốc lá vẫn tồn tại.


Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có quy định những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, nhưng tại một số bệnh viện, vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngang nhiên hút thuốc, dù khu vực đó có biển cảnh báo “cấm hút thuốc lá” nhưng cũng chỉ dừng lại bằng biện pháp nhắc nhở. Cùng với đó, nhiều công sở cơ quan hành chính; khu vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; phương tiện giao thông công cộng tình trạng hút thuốc lá vẫn tồn tại.
 
 
Tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn diễn ra. Các trường cao đẳng, đại học chỉ cấm hút thuốc lá trong nhà, cho phép hút thuốc lá trong khuôn viên nên vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc lá tại các khu vực ít người qua lại như ban công, hành lang, cầu thang, căng tin...
 
 
Việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở địa điểm nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều hạn chế. Đây là những địa điểm còn tình trạng vi phạm phổ biến nhất.
 
 
Một trong những hạn chế là rào cản cho việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là do công tác truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá còn nhiều hạn chế như: Việc bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa liên tục, nội dung chưa hấp dẫn, đa dạng.
 
 
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thiếu ý thức trong việc chấp hành quy định không hút thuốc tại nơi làm việc. Trong khi đó, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn chưa phát huy được vai trò trong việc giám sát và xử phạt như lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính.
 
 
Mặc dù giá bán thuốc lá tối thiểu đã được điều chỉnh tăng và đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, nhưng giá bán tối thiểu và mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt còn thấp và giá xuất xưởng thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.
 
 
Trong khi đó, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu ngoại qua biên giới vẫn còn phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, tội phạm buôn lậu thuốc lá sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ, tập trung đông nguời gây áp lực nhằm cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ,… Khung pháp lý để xử lý bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo nhau giữa các quy định của Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2014 và điển hình là Bộ luật Hình sự năm 2015… khiến các lực lượng chức năng không thể xử lý hình sự các đối tượng này. Trong khi đó, việc thực hiện thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu chưa được thực hiện, còn tồn 6 triệu bao chưa được xử lý.
 
 
Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra phải phụ trách nhiều lĩnh vực nên chưa thực sự quan tâm đến việc thanh kiểm tra công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, phản ứng của người hút thuốc lá nhiều lúc gay gắt. Công tác xử lý vi phạm hành chính ở một số cơ quan quản lý nhà nước còn chưa hiệu quả đối với những hành vi hút thuốc nơi công cộng, nơi cấm hút thuốc do không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở và không có thẩm quyền xử phạt.
 
 
Giai đoạn 2015-2018, Bộ Công an, Thanh tra Bộ Y tế, UBND các địa phương đã tiến hành kiểm tra 3.740 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định của Luật PCTHTL là 706.600.000 đồng. Về quản lý kinh doanh thuốc lá, lực lượng công an, quản lý thị trường đã bắt giữ, xử lý vi phạm như kinh doanh thuốc lá lậu, thuốc lá giả, kinh doanh không có giấy phép, vi phạm về địa điểm bán, trưng bày sản phẩm.
 
 
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, từ ngày 1.5.2013 đến ngày 21.12.2018, các Tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm 929 vụ với 1.367 bị cáo với các tội danh trên.
 
 
Pháp luật của nước ta về PCTH của thuốc lá còn bỏ ngỏ vấn đề thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử, shisha và thuốc lá nhai được sử dụng với tỉ lệ thấp. Hiện có 1,4% dân số sử dụng thuốc lá nhai, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhai của nữ cao hơn nam. Thuốc lá điện tử bắt đầu được sử dụng với tỉ lệ 0,2% ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên. Tỉ lệ sử dụng shisha là 0,1%.
 
 
Các hoạt động cai nghiện thuốc lá chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Người dân ở tuyến dưới và cộng đồng vẫn chưa được tiếp cận nhiều nên kết quả chưa cao. Bên cạnh đó, hoạt động cai nghiện thuốc lá còn khó khăn về cơ chế, kinh phí thực hiện.
 
 
Thời gian tới, Bộ Y tế kiến nghị đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng cấm kinh doanh và tiêu dùng; tăng thuế đối với thuốc lá; sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó tăng thuế đối với thuốc lá… Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1