Bình Định: Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi heo công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả
Thứ Sáu, 20/06/2025 11:01
Lượt xem: 388
(Cổng ĐT HND) – Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, chị Nguyễn Thị Thúy Loan luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình bền vững trên chính mảnh đất quê hương. Với tinh thần cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, chị đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp kết hợp chăn nuôi heo công nghệ cao và trồng cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Thúy Loan đang chăm sóc vườn bưởi của gia đình
Năm 2017, tận dụng lợi thế gần 2,7 ha đất nông nghiệp, chị bắt đầu xây dựng chuồng trại và nuôi thử nghiệm 100 con heo thịt. Nhận thấy hiệu quả tích cực, chị mở rộng quy mô đàn heo và triển khai mô hình trồng cây ăn quả, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng.
Nhờ đầu tư bài bản và kiên trì, mô hình kinh tế của gia đình chị đã phát triển ổn định. Hiện, trang trại của chị nuôi 600 heo nái, 36 heo đực giống, 210 heo cái hậu bị, 8.674 heo cai sữa và 2.750 heo thịt. Mỗi năm, chị xuất bán từ 4-5 lứa heo thương phẩm với giá trung bình 58.000-60.000 đồng/kg, tạo nguồn thu lớn và ổn định.
Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi, chị Loan còn đầu tư trồng hơn 2 ha cây ăn quả gồm: 300 cây bưởi, 150 cây cam và hơn 150 cây sầu riêng. Toàn bộ diện tích được chăm sóc bằng phân chuồng đã qua xử lý thành phân hữu cơ. Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật và áp dụng khoa học vào sản xuất, vườn cây của chị phát triển xanh tốt, năng suất cao, mang lại thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.
Điểm nổi bật của mô hình chính là sự kết hợp hài hòa giữa trồng trọt và chăn nuôi trong một quy trình khép kín. Việc sử dụng chuồng lạnh, hệ thống cho ăn tự động và xử lý chất thải bằng hầm biogas không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Bên cạnh thành công trong phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực đóng góp cho cộng đồng địa phương. Trang trại của chị tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập ổn định khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chị hỗ trợ 30 hộ nghèo vay 200 triệu đồng không lãi để đầu tư sản xuất, giúp họ có cơ hội thoát nghèo bền vững.
Ghi nhận những đóng góp nổi bật của chị, năm 2025, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho chị Nguyễn Thị Thúy Loan vì có mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm tại địa phương. Với định hướng nông nghiệp xanh và tư duy sản xuất hiện đại, chị Loan đã khẳng định vai trò của người nông dân trong thời kỳ đổi mới, trở thành hình mẫu để nhiều hộ nông dân khác học tập và làm theo.
Minh Khoa