image banner
Sơn Tịnh (Quảng Ngãi): Thực hiện mô hình “Sản xuất rau ăn lá trong nhà lưới theo VietGAP” năm 2025
Lượt xem: 453
(Cổng ĐT HND) – Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác, năm 2025, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Tịnh đã thực hiện mô hình “Sản xuất rau ăn lá trong nhà lưới theo VietGAP” giúp tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế sâu bệnh gây hại cho cây trồng.

 

Anh-tin-bai

Vườn trồng rau của bà Hồ Thị Hồng, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ

 

 

Mô hình được thực hiện tại hộ bà Hồ Thị Hồng, thôn Thọ Trung, xã Tịnh Thọ, với qui mô diện tích 0,1 ha, sử dụng giống mồng tơi và bắp sú, thời gian xuống giống ngày 20/4/2025. Ngoài kinh phí 40% Nhà nước hỗ trợ về một số hạng mục thiết bị, vật tư sản xuất, 100% kinh phí triển khai, hộ nông dân có trách nhiệm chuẩn bị diện tích đất để xây dựng nhà lưới và bố trí nhân công lao động, đầu tư kinh phí hạng mục thiết bị và vật tư sản xuất trực tiếp còn lại.

 

 Kỹ thuật áp dụng cho mô hình đó là: áp dụng kỹ thuật thi công xây dựng nhà lưới và hệ thống nước tưới; áp dụng kỹ thuật sản xuất rau ăn lá theo tiêu chuẩn VietGAP; về tiêu thụ sản phẩm là doanh nghiệp ký hợp đồng với hộ nông dân bao tiêu sản phẩm.        

 

Khi thực hiện mô hình, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần chứng nhận GLOBALCERT lấy mẫu đất, mẫu nước và nông sản để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu tồn dư trong sản xuất rau. Sau khi kiểm tra, phân tích các mẫu rau đều cho kết quả phù hợp với quy trình thực hiện nông nghiệp tốt tại Việt Nam.

 

 Nông dân thực hiện mô hình được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến khi thu hoạch. Lượng phân bón được thực hiện như sau: Mỗi hecta trồng bón lót 20-25 tấn phân chuồng hoai mục (thời gian ủ trước khi bón ít nhất 3 tháng). Mỗi tấn phân tươi khi ủ rắc thêm 20 kg vôi bột. Phân lân 400 kg/ha supe lân; phân hữu cơ vi sinh, cần bón 1.500 kg/ha.

 

Để đạt năng suất cao và giữ hàm lượng nitrat dưới 500mg/kg, cần bón 260 kg Ure; lượng kali cần thiết là 30 kg/ha. Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng + phân hữu cơ vi sinh + phân lân + ½ kali +1/4 đạm; có 2 hình thức bón lót: trải đều trên mặt ruộng trước khi lên luống hoặc bón vào hốc sau khi lên luống; nếu bón theo cách thứ 2 phải trộn, đảo đểu và lấp trước khi trồng.

 

Bón thúc làm 3 thời kỳ: thời kỳ cây hồi xanh: bón lượng kali còn lại + 1/3 lượng đạm còn lại; cách bón: bón gốc cây kết hợp xới vun; số đạm còn lại chia đôi, hòa với nước tưới gốc vào 2 thời kỳ: thời kỳ trái lá bàng 30-35 ngày sau khi trồng và thời kỳ cuốn bắp 45-50 ngày sau trồng.

 

 Kết quả thực hiện mô hình đạt theo yêu cầu đề ra. Năng suất mô hình rau ăn lá mồng tơi ước đạt 15 tấn/ha/vụ, tương ứng 750 kg/sào, với giá hiện tại công ty thu mua 14 ngàn đồng/kg, doanh thu đạt 10 triệu 500 ngàn đồng. Tổng chi phí công lao động, chăm sóc và vật tư sản xuất 3 triệu 500 ngàn đồng/sào. Như vậy, sau khi trừ chi phí lợi nhuận của mô hình “Sản xuất rau ăn lá trong nhà lưới theo VietGAP” trên rau mồng tơi là 7 triệu đồng/sào/vụ.

 

Mô hình sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tiết kiệm được công lao động, tránh được thời tiết bất lợi, phù hợp sản xuất cho nhiều vụ trong năm.

                                         

Kim Cúc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1