image banner
Nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Lượt xem: 593
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Anh-tin-bai

Hội đã áp dụng nhiều cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ hội viên, nông dân thoát nghèo bền vững.

 

Tại Nghệ An, hàng năm các cấp Hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân về các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, trọng tâm là Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời giới thiệu những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình là hộ hội viên, nông dân thoát nghèo tiêu biểu, hộ gia đình nông dân tự nguyện xin thoát nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng. Đồng thời, Hội phát động các phong trào, vận động hộ nghèo, người nghèo tham gia đăng ký thoát nghèo và đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và chính sách khuyến khích thoát nghèo của Trung ương, tỉnh; vận động hội viên tham gia các phần việc thiết thực, nhận hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp hộ nghèo phát triển kinh tế.


Bên cạnh đó, việc triển khai hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo thêm động lực, khích lệ hội viên, nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác, liên kết, mở rộng sản xuất kinh doanh. Bình quân hàng năm có trên 300.000 hộ hội viên đăng ký và có trên 150.000 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hàng năm các hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh đã hỗ trợ trên 92.000 lao động nông thôn có thêm việc làm; giúp đỡ có hiệu quả trên 54.000 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, thiên tai, bão lụt; đóng góp hàng trăm triệu đồng, tham gia xây nhà tình nghĩa cho hội viên, nông dân nghèo.


Để việc hỗ trợ, đầu tư nguồn lực theo chiều sâu có hiệu quả giúp hội viên nông dân nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh thoát nghèo, các cấp Hội đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ sinh kế cho hộ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững như: Mô hình sinh kế giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững “Nuôi dê sinh sản gắn với phát triển kinh tế vườn” tại huyện Anh Sơn, Tân Kỳ đã cung cấp 160 con dê giống sinh sản cho 32 hộ nghèo và cận nghèo (mỗi hộ 05 con); mô hình hỗ trợ giống gà Dabaco cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của Hội ND thành phố Vinh; mô hình hỗ trợ con giống (lợn, gà), vật tư, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hộ hội viên nông dân nghèo của Hội ND huyện Đô Lương; Đề án ngân hàng bò giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế của Hội ND huyện Quỳnh Lưu và Hội ND huyện Kỳ Sơn,...


Các cấp Hội còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, với dư nợ uỷ thác ngân hàng CSXH cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo và chính sách vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh đến nay đạt 3.758 tỷ đồng.


Từ các hoạt động trên, hàng năm các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ cho trên 500 lượt hộ hội viên, nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.


Tại Thanh Hóa, thực hiện Nghị quyết số 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện nghèo, các cấp Hội đã có cách làm sáng tạo trong công tác giảm nghèo như xây dựng các mô hình, dự án hiệu quả gồm: “Chăn nuôi bò sinh sản,” “Gà an toàn sinh học,” “Ngân hàng con giống” (lợn, gà, bò, trâu), và tạo quỹ như: “Tấm lòng vàng,” “Mua trâu bò” để giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Các câu lạc bộ “Nông dân giảm nghèo bền vững” cũng được thành lập để hỗ trợ nhau trong sản xuất và phát triển kinh tế.


Trong năm 2023, Hội đã hoàn thành 2 dự án lớn, gồm dự án liên kết chăn nuôi bò cái sinh sản tại 2 xã của huyện Như Xuân và dự án nuôi gà ri lai an toàn sinh học tại huyện Như Thanh. Những dự án này đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 200 hộ nông dân, giúp họ phát triển kinh tế gia đình một cách bền vững. Năm 2024, các dự án tiếp tục được mở rộng, bao gồm nuôi dê thương phẩm tại huyện Bá Thước và nuôi bò sinh sản theo chuỗi giá trị tại hai huyện Quan Hóa và Lang Chánh… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2024 của tỉnh xuống còn 2,02%.


Tại tỉnh Hà Nam, để tạo điều kiện, giúp các gia đình hội viên nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, hàng năm Hội ND xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên đề ra chỉ tiêu tặng từ 1-2 con bò sinh sản cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.


Từ năm 2018 đến nay, các chi Hội ND trong xã đã trích quỹ hơn 600 triệu đồng cho 50 hội viên vay vốn phát triển kinh tế; trao tặng 18 con bò vàng sinh sản trị giá gần 300 triệu đồng, giúp 18 gia đình hội viên khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tạo điều kiện cho 30 hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,43% và không có hội viên nông dân nghèo.


Có thể khẳng định, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng địa phương để giúp đỡ hộ hội viên, nông dân thoát nghèo bền vững, các cấp Hội đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho hội viên, nông dân nghèo, cận nghèo trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước giảm nghèo bền vững.

 
Nam Anh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1