Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường… cho trên 860 nghìn hội viên; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 3.231 mô hình điểm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp nâng cao nông sản, chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho hội viên, nông dân.
Hội ND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) tích cực tuyên truyền, hỗ trợ hội viên chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học.
Tại Tuyên Quang, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền việc lồng ghép thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử (website) và fanpage của các cấp Hội, các trang mạng xã hội của cá nhân các đồng chí cán bộ, hội viên; tuyên truyền trong các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chi Hội; gắn nội dung chuyển đổi số với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn của Hội.
Đến nay, Hội đã tổ chức 15 lớp tập huấn về các giải pháp tối ưu hóa zalo, ứng dụng ChatGPT và AI trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và du lịch cộng đồng; áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, công nghệ sấy, đóng gói hiện đại gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc bằng QR code; hướng dẫn sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu kỹ thuật, cập nhật thông tin, hướng dẫn xây kênh bán hàng trên Fanpage, Tiktok, Youtube đối với các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực; kỹ năng livestream bán hàng, viết nội dung quảng bá sản phẩm trên nền tảng số; tham gia các chợ phiên, hội chợ, tham gia sàn thương mại điện tử... cho 1.165 lượt cán bộ, hội viên là giám đốc các Hợp tác xã, chi, tổ Hội nghề nghiệp, hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Một số sản phẩm OCOP ứng dụng chuyển đổi số tiêu biểu như: Trà đậu đen xanh lòng, mật ong Tân Tiến, na dai Lực Hành…
Tại Thanh Hóa, Hội ND huyện Quảng Xương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ hội viên chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học. Điển hình như hội viên Bùi Thị Bốn ở thị trấn Tân Phong đã sử dụng chế phẩm sinh học trên nền đệm lót sinh học trộn vào thức ăn để chất thải tiêu hủy hiệu quả trong quá trình chăn nuôi. Nguyên liệu để làm đệm lót sinh học gồm lõi ngô nghiền, mùn cưa, trấu được trộn với các loại men vi sinh có lợi rồi làm ẩm đều, cho vào túi hoặc thùng rồi ủ từ 2 - 3 ngày. Từ đó, cấu tạo thành sợi men giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi, tạo ra vi sinh vật có ích. Sau một thời gian, đàn gia cầm của gia đình bà đã phát triển khỏe mạnh và đồng đều hơn, tỷ lệ đẻ trứng đạt cao và trang trại không còn mùi hôi thối do chất thải chăn nuôi, hạn chế tối thiểu tác động đến môi trường xung quanh.
Huyện Hà Trung cũng có nhiều nông dân chủ động ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả. Tiêu biểu như vườn hoa tổng hợp của anh Nguyễn Văn Sơn (xã Hà Lai) đã và đang áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc hoa. Riêng hoa cúc được anh áp dụng công nghệ quang gián đoạn (thắp đèn trên diện tích trồng hoa) để cây hoa phát triển nhanh. Với cách làm này, người trồng sẽ điều tiết được thời điểm cây ra hoa, tránh tình trạng nở sớm. Ngoài ra, anh Sơn còn thắp điện vào ban đêm, điều chỉnh nhiệt độ cho từng loại hoa, kéo dài thời gian phát triển của cây. Nhờ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng và chăm sóc hoa, chất lượng hoa từ đó cũng cao hơn, mang lại thu nhập ổn định cả năm mà không lo ế, mất mùa vụ.
Vụ lúa Xuân năm 2024, trên địa bàn huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội) có 6 xã tham gia hỗ trợ công cấy máy với diện tích cấy lúa bằng máy đạt 125ha tại các xã: Chu Phan, Liên Mạc, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiến Thịnh, Tam Đồng, nâng tỷ lệ cấy lúa bằng máy từ 5ha năm 2023 lên 125ha.
Diện tích phun thuốc bằng máy bay không người lái đạt trên 21ha tại các xã: Chu Phan, Thạch Đà, Thanh Lâm; diện tích nhân dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phế phụ phẩm cây trồng, rơm rạ đạt 776ha tại các xã: Chu Phan, Tráng Việt, Tiền Phong, Tiến Thắng, Thạch Đà, Thanh Lâm, Tiến Thịnh, Tam Đồng, Tự Lập.
Thực tế triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh cho thấy, khi sử dụng máy cấy đạt công suất 1,5 - 2,5 ha/ngày, gấp khoảng 30 - 50 lần so với lao động cấy thủ công. Năng suất thực tế tại các điểm cấy máy vụ Xuân năm 2024 cao hơn từ 8 -10%; cho hiệu quả kinh tế 840.000đ/sào (23.500.000đ/ha), cao hơn so với phương pháp cấy lúa truyền thống 240.000đ/sào (tương đương 6.700.000đ/ha).
Hay như Hội ND xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) có 3 chi Hội nghề nghiệp gồm: Chi Hội nuôi ong, chi Hội làm vườn và chi Hội sinh vật cảnh. Tận dụng vùng đất màu mỡ, thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, chi Hội nghề nghiệp làm vườn xã Yên Sở đã vận động hội viên tập trung trồng và chăm sóc ổi, mít, bưởi Diễn, bưởi đỏ. Cùng với đó, chi Hội cũng giúp các hội viên kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất; hướng dẫn hội viên quy trình trồng chăm sóc bưởi và các loại cây ăn quả ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao.
Hiện tại, chi Hội đã được cấp mã số vùng trồng bưởi bằng hệ thống tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu với quy mô 13,04ha tại vùng đồng thôn 8; thâm canh bưởi hữu cơ quy mô 1,1ha ở vùng đồng thôn 8 và theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên diện tích 5ha tại vùng bãi Cửa Tư, Cát Nổi… Mô hình trồng cây ăn quả của chi Hội có năng suất cao gấp nhiều lần so với cấy lúa và cây hoa màu khác, thu nhập đạt khoảng 800 - 900 triệu đồng/ha/năm.
Còn tại địa bàn xã Di Trạch (huyện Hoài Đức), từ năm 2010, một số hội viên nông dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ổi, cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 20-30 lần. Đến nay, 100% hộ hội viên đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, như: Ổi, táo, đu đủ, dưa lê, mít, hồng xiêm trên tổng diện tích 40ha, trong đó có 30ha ổi. Nhiều hộ còn mở rộng vùng trồng cây ăn quả bằng việc thuê đất nông nghiệp ở các xã lân cận như: Kim Chung, Sơn Đồng, Yên Sở.
Với việc áp dụng công nghệ cao, lắp đặt hệ thống tưới, tiêu tự động, xây hồ chứa nước dự trữ, sản xuất theo quy trình an toàn, VietGAP…, sản phẩm quả các loại của Di Trạch được khách hàng tin dùng, tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh. Năm 2021, quả ổi Di Trạch đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao; năm 2023, Di Trạch tiếp tục có quả táo đạt sản phẩm OCOP 3 sao.
Thời gian tới, xác định khoa học, công nghệ vẫn là "chìa khóa" để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho hội viên nông dân, các cấp Hội tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; đồng thời tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, nhà khoa học hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học; hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với áp dụng các quy trình kỹ thuật chuẩn và mã vùng sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.