Chủ vườn dâu tằm hữu cơ ở Tây Ninh hái cả tạ trái, bán chưa hết, khách đã tới xin trải nghiệm tận tay
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Tây Ninh đang chọn hướng phát triển du lịch nông nghiệp như một điểm nhấn mới, vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa mở ra cơ hội kinh tế bền vững cho người dân nông thôn.
Vườn dâu tằm hữu cơ 7 Săng ở xã Dương Minh Châu (Tây Ninh) của anh Võ Nguyên Vũ là một trong những điểm du lịch nông nghiệp dưới chân núi Bà Đen.
Du lịch nông nghiệp Tây Ninh từ những vườn dâu hữu cơ đầu tiên
Tại xã Dương Minh Châu, vườn dâu tằm hữu cơ 7 Săng của anh Võ Nguyên Vũ từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Với hơn 300 gốc dâu tằm, vườn được canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ, không sử dụng thuốc hóa học, cho trái quanh năm.
Mỗi năm vườn dâu cho 5 - 6 đợt trái, mỗi đợt từ 500 - 600kg. Anh Vũ không bán hết cho thương lái mà chế biến thành nhiều sản phẩm tại chỗ như nước ép, siro, mứt, sữa chua, gỏi bò dâu tằm… phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức tại chỗ.
Đặc biệt, du khách đến đây còn được tự tay hái dâu, tìm hiểu quy trình canh tác hữu cơ và chụp ảnh trong không gian miệt vườn.
Theo anh Vũ, mô hình này tạo thêm nguồn thu từ du lịch và giúp nâng cao uy tín sản phẩm. “Khi khách được trải nghiệm thực tế, họ tin tưởng sản phẩm hơn rất nhiều”, anh Vũ chia sẻ.
Tại xã Tân Phú, ông Nguyễn Thanh Vũ, kỹ sư nông nghiệp từng làm việc trong ngành phân bón cũng lựa chọn con đường trở về làm nông kết hợp du lịch. Trên diện tích 2ha, ông trồng hơn 1.000 cây dâu tằm theo quy trình hữu cơ Nhật Bản.
Ông dành 2 năm đầu cải tạo đất, giữ cỏ để tạo mùn, nuôi trùn để làm tơi xốp đất. Sau 3 năm, vườn bắt đầu cho quả ngọt, năng suất tăng dần.
“Du khách đến tham quan, hái dâu, uống nước dâu tươi tại vườn, mua sản phẩm chế biến an toàn”, ông Vũ chia sẻ.
Hiện nay, vườn dâu Ba Phong của ông tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Trung bình mỗi ngày vườn thu hoạch 50kg trái. Doanh thu mỗi ha khoảng 200 triệu đồng/năm, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng.
Nhưng điều đáng kể hơn, theo ông Vũ, là du lịch đã mở ra cơ hội lớn cho sản phẩm tiếp cận thị trường một cách trực tiếp và bền vững.
“Khách hàng được trải nghiệm thực tế sẽ tin tưởng hơn, uy tín tăng lên, lan tỏa đến nhiều nơi mà không cần quảng cáo rầm rộ. Đó là lợi ích mà chỉ có du lịch nông nghiệp mới mang lại cho nông dân làm hữu cơ”, ông nói.
Du lịch nông nghiệp Tây Ninh gắn với tiềm năng đặc sản, làng nghề
Không chỉ có vườn dâu, Tây Ninh còn phát triển nhiều mô hình khác kết hợp giữa nông nghiệp, làng nghề và du lịch trải nghiệm.
Tại phường Bình Minh, ông Võ Văn Mạnh đã chuyển từ trồng lúa sang mô hình vườn cây ăn trái.
Từ những cây chôm chôm đầu tiên trồng trên đất ruộng thấp, ông phát triển thành vườn trái cây tổng hợp, mở cửa đón khách vào mùa thu hoạch. Du khách đến đây có thể hái trái tại vườn, dùng các món ăn miệt vườn và nghỉ chân trong những chòi lá giữa vườn cây.
“Trồng một mẫu lúa chỉ thu được 200 dạ mỗi năm, nhưng trồng chôm chôm thu lợi cao hơn gấp 5 lần. Thêm dịch vụ ẩm thực, du lịch, thu nhập tăng nhiều so với trước”, ông Mạnh cho biết.
Bên cạnh đó, các làng nghề như bánh tráng, muối tôm, sản xuất nhang cũng bắt đầu mở cửa đón khách tham quan.
Cơ sở nhang Vạn Linh Hương tại phường Long Hoa đã thiết kế thêm không gian trải nghiệm để du khách nhìn thấy tận mắt quy trình làm nhang truyền thống của Tây Ninh.
Du khách thích thú khi hiểu rõ cách làm ra sản phẩm. “Điều này giúp tăng niềm tin và thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm địa phương”, bà Lê Thị Ngân Tâm, chủ cơ sở chia sẻ.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, riêng khu vực tỉnh Tây Ninh cũ có 130 sản phẩm OCOP, nhiều trong số đó là đặc sản địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.
Tây Ninh cũng đã hình thành một số mô hình du lịch nổi bật như Farmstay tại xã Hưng Thuận, hội quán mãng cầu tại Tân Châu, hội quán sầu riêng tại Gò Dầu…
Tại xã Truông Mít, mô hình du lịch sinh thái dựa vào vườn trái cây kết hợp nghỉ dưỡng cũng đang được triển khai. Dưới chân núi Bà Đen, vùng mãng cầu đặc sản cũng đang đón khách vào mùa chín rộ.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tây Ninh, du lịch nông nghiệp không chỉ tạo thêm giá trị cho nông sản mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng bền vững.
Tây Ninh có nhiều hệ sinh thái nông thôn còn hoang sơ, khí hậu lại rất thuận lợi. Tỉnh đã có cơ chế cho phép người dân đăng ký tổ chức farmstay tại đồng ruộng, vườn nhà của người dân, chỉ cần đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản và đăng ký với chính quyền địa phương.
Theo ông Xuân, tỉnh đang đẩy mạnh hỗ trợ cấp chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ thủ tục pháp lý và tập huấn kỹ thuật để người dân có thể phát triển mô hình du lịch nông nghiệp một cách bài bản, hiệu quả ngay tại đồng ruộng của nông dân.
Thế mạnh của Tây Ninh không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là cảnh quan, văn hóa, con người. “Với sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng, tôi tin Tây Ninh sẽ trở thành điểm đến đặc sắc của du lịch nông thôn trong khu vực phía Nam”, ông Xuân nhấn mạnh.