image banner
"Sông trong ao"- mô hình mới nuôi cá công nghệ cao
Lượt xem: 2612
(Cổng ĐT HND)- Từ 8 thành viên với 10 ha nuôi thủy sản, đến nay HTX Sản xuất và Thương mại Xuyên Việt, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đã có 28 thành viên với diện tích nuôi thủy sản tăng gần 14 lần. 
Mô hình "Sông trong ao" của anh Vũ Văn Việt

HTX được thành lập năm 2011. Ngành nghề chủ yếu là mua, bán giống thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi, tư vấn chăn nuôi và nuôi cá thương phẩm và chế biến sâu thuỷ hải sản.


Phần lớn diện tích sản xuất được áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là mô hình nuôi cá “sông trong ao”. Nay HTX đã mở rộng diện tích ao nuôi thủy sản lên tới 136 ha với 28 thành viên tham gia. Mỗi năm HTX bán trên 5.000 tấn cá thương phẩm, trong đó có 3.500 tấn cá rô phi, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập mỗi tháng từ 6-8 triệu đồng/người.  

  
HTX Xuyên Việt hướng tới mục tiêu chế biến các sản phẩm giá trị kinh tế cao từ cá nước ngọt, đặc biệt là cá rô phi theo định hướng xuất khẩu.
 

Hiện HTX và công ty Cổ phần Xuyên Việt đã triển khai việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ cao để sớm hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Xây dựng nhà máy chế biến sâu cho các sản phẩm như cá nguyên con, cắt khúc, chả cá... để cung cấp thủy sản chế biến cho thị trường.


Phần lớn diện tích sản xuất được áp dụng công nghệ cao, đặc biệt là mô hình nuôi cá “sông trong ao”.


Khởi nghiệp từ 5.000 m2 ao ban đầu với số vốn gần 100 triệu đồng. Anh Lê Văn Việt đã tìm tòi, học hỏi và không ngừng cải thiện phương pháp nuôi để nâng cao năng suất cũng như chất lượng cá thương phẩm. Từ cách nuôi theo phương pháp cũ nhưng áp dụng khoa học, kỹ thuật xử lý môi trường, đến mô hình ao nổi cải tiến hơn, tiết kiệm chi phí ban đầu, tăng chất lượng môi trường ao nuôi.

Lãnh đạo TƯ Hội NDVN tham quan mô hình nuôi cá công nghệ cao của HTX Xuyên Việt

Sau đó, nhờ áp dụng công nghệ, kỹ thuật xây dựng hệ thống ao nuôi thủy sản của Israel như “sông trong ao” hay Biofloc đã giúp tăng năng suất trên mỗi ha diện tích ao nuôi.


Nhiều nông dân nuôi cá ở địa phương phải kinh ngạc khi năng suất cá thu lên đến 30 tấn/ha, trong khi nuôi theo phương pháp truyền thống chỉ đạt 5-7 tấn/ha. Đây cũng là mô hình thủy sản công nghệ cao đầu tiên tại Hải Dương.


“Bí quyết chỉ ở chỗ phải làm sao để quản lý môi trường ao nuôi tốt. Chúng tôi sử dụng thiết bị để tăng lượng oxy trong môi trường nước chứ không đợi đến khi cá nổi lên mới quạt máy như cách làm của bà con. Chúng tôi cũng trộn các chế phẩm sinh học, men vi sinh để thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cá, giúp cá lớn nhanh và khỏe mạnh”, anh Việt chia sẻ.


Anh Lê Văn Việt cho biết, người nông dân vốn có thói quen canh tác manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Việc xây dựng các HTX sẽ giúp liên kết sản xuất, tạo được số lượng sản phẩm lớn với mức giá thành hợp lý, hiệu quả sản xuất cao hơn...


Theo anh, để thành công, người chăn nuôi cần thay đổi cách nghĩ, cách làm mới. Thí dụ, như mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) giờ đã không còn phù hợp, bởi vườn cây gần ao khiến giảm lượng ô-xi của cá vào buổi đêm, chuồng trại gần ao sẽ gây ô nhiễm…"Chúng tôi đã liên kết lại những hộ nuôi trong vùng và cùng nhau thay đổi tư duy làm ăn, chuyên nghiệp hơn, sáng tạo hơn. HTX đã thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các thành viên, xây dựng chuỗi giá trị từ giống, thức ăn chăn nuôi đến thị trường tiêu thụ", anh Việt nói.
 
 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1