image banner
Hội Nông dân các cấp hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại
Lượt xem: 2476
(Cổng ĐT HND)- Hơn 10 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã làm tốt vai trò trung tâm và nòng cốt, vận động và hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện các chính sách đất đai để phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp liên tục tăng từ 2,8-3%. 
Nông dân áp dụng nhiều biện pháp khoa học vào sản xuất nông nghiệp

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã phát triển với 1610 sản phẩm được gắn chặt với các Chi Hội Nông dân nghề nghiệp và các Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Các thành tựu đó khẳng định vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam, vai trò của nông dân Việt Nam trong phát triển kinh tế nước nhà.


Đóng góp chung vào các mô hình nông nghiệp 4.0, Hội Nông dân các cấp đã liên kết, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà nông hình thành các mô hình sản xuất hiện đại, mang lại thu nhập cao cho nông dân, hình thành các chuỗi giá trị. Một số mô hình tiêu biểu cho các vùng miền như:


Mô hình sản xuất hoa của Hội Nông dân phường 7, TP. Đà Lạt đã Thành lập Tổ nghề nghiệp trồng và chăm sóc hoa cúc theo hướng công nghệ cao và bền vững Đa phú – Măngline. Ngày đầu thành lập có 69 thành viên, đại diện cho 69 hộ gia đình với diện tích sản xuất 24 ha.


Quỹ HTND Trung ương Hội cho các hộ vay 600 triệu đồng, cùng với vốn tự có của từng hộ gia đình đã xây dựng toàn bộ diện tích đất sản xuất thành nhà kính, tưới nước tự động và chuyên canh hoa cúc theo hướng công nghệ cao. Qua 3 năm đi vào hoạt động, tổng thu nhập bình quân từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Từ hiệu quả sản xuất, nhiều nông dân tự nguyện xin tham gia vào Tổ, đến nay đã kết nạp thêm 81 hộ vào tổ, nâng tổng số lên 150 thành viên.


Năm 2015, HTX sản xuất rau an toàn Phước Thịnh, Long An được Hội Nông dân chọn tham gia dự án "Tăng cường sự tham gia của tổ hợp tác, hợp tác xã vào thị trường và chuỗi giá trị".


Từ 9 thành viên với 6 hecta diện tích canh tác ban đầu, đến nay, chuỗi sản xuất rau an toàn của HTX Phước Thịnh đã có 40 thành viên tham gia với diện tích canh tác đạt 30 hecta, được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An.


Sản lượng cung cấp ban đầu 1 – 2 tấn rau/ngày thì nay đã lên đến 5-7 tấn rau/ngày cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thông qua hệ thống phân phối của các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, bếp  ăn tập thể… Chủ yếu là các loại rau gia vị và rau ăn lá như cải, hành, ngò, rau dền… Đặc biệt, HTX Phước Thịnh còn có sản phẩm dùng để nấu nước mát uống đảm bảo sức khỏe bao gồm 6 vị thuốc nam đang được bày bán tại các siêu thị, sản phẩm này được nhiều người dân tin dùng.


Trước khi đưa ra thị trường, rau của HTX Phước Thịnh được sơ chế, đóng gói sạch đẹp, đạt tiêu chuẩn. HTX cũng đầu tư xây dựng nhà sơ chế khang trang, rộng rãi, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, được các cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.


Để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từ tháng 3 năm 2015, Hội Nông dân các cấp tỉnh Nam Định đã tuyên truyền, vận động nông dân tập trung ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, Công ty TNHH Toản Xuân, các hộ nông dân trong các HTX nông nghiệp, các hộ nông dân có diện tích lớn hơn 3 ha phối hợp khai thác thế mạnh của địa phương và đưa hạt gạo Nam Định vươn xa thị trường trong nước và quốc tế.


Công ty đã ký hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với 10 HTX và một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung ở các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy… cùng sản xuất một giống lúa chất lượng là Bắc thơm số 7. Để xây dựng sản xuất theo chuỗi giá trị, HTX, Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ thành viên HTX, hội viên nông dân tham gia sản xuất.


Trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết, sau khi đảm bảo được nguồn cung ổn định, công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho hàng khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn sạch để bảo quản lúa - gạo. Hiện công ty đã đầu tư và đưa vào vận hành lò sấy công suất 200 tấn/mẻ, cùng dây chuyền xay xát gạo công nghệ hiện đại trị giá trên 20 tỷ đồng. Gạo sản xuất đến đâu sẽ đóng gói tới đó theo đơn đặt hàng nên vấn đề tồn đọng thóc - gạo được giải quyết.


Trên bao bì mỗi sản phẩm đều in đầy đủ ngày sản xuất và hạn sử dụng để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin khi mua hàng. Từ năm 2016 đến nay, chuỗi sản xuất gạo sạch Toản Xuân đã ký kết sản xuất theo chuỗi với 10 HTX và trên 1.000 hộ nông dân với diện tích 1.000ha. Năm 2018, sản lượng đưa ra thị trường trên 3.000 tấn. Công ty phấn đấu đến năm 2020 mở rộng vùng nguyên liệu đạt 2.000 ha.


Chuỗi liên kết gạo Toản Xuân còn thể hiện được tính vượt trội về chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001, các chứng nhận ATTP do các cơ quan nhà nước cấp; là một trong những sản phẩm gạo đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016, 2017.


Để khoa học và công nghệ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang phối hợp với các tập đoàn lớn hợp tác trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật vào phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hiện đại, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.  

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1