image banner
Xây dựng chiến lược để nông thôn thành nơi đáng sống
Lượt xem: 1976
(Cổng ĐT HND)- Ngành nông nghiệp đang tích cực đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”…
Ngành nông nghiệp cần có bước chuyển mình mạnh mẽ

Theo Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành, Việt Nam phấn đấu sánh vai các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.


Chiến lược thể hiện rõ tính toàn diện, bao trùm, liên ngành trong định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp và nông thôn để xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh. Chiến lược lần này tập trung nhiều vào phát triển nông dân, nông thôn bên cạnh phát triển nông nghiệp.

 
Chiến lược định hướng rõ cần phải chuyển đổi nông nghiệp từ việc tăng sản lượng sang hướng tới nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, nông nghiệp xanh, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi tư duy sản xuất từ cái chúng ta có sang tư duy sản xuất theo nhu cầu thị trường, tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, liên ngành, kết nối vùng miền, phát huy tối đa lợi thế địa phương, vùng miền.


Tiếp tục đổi mới tổ chức sản xuất, lấy kinh tế hợp tác làm động lực để phát triển kinh tế hộ, gắn kết với doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị, hạn chế việc chỉ làm “gia công”. Hình thành các vùng chuyên canh được đầu tư bài bản, sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững với doanh nghiệp làm đầu tàu. Tập trung phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp cả đầu vào và chế biến đầu ra.


Mục tiêu cụ thể của ngành NN&PTNT đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm…


Theo đó, ngành nông nghiệp lên kế hoạch tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng...


Để đạt được các mục tiêu trên, các chính sách về sử dụng đất đai  cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa.


Cụ thể, trong Chiến lược cũng đã đề cập đến 10 nhóm giải pháp chính. Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: Xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: Cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh... để phát triển nông nghiệp hiện đại, năng suất, bền vững, có trách nhiệm...


Để đạt được mục tiêu đề ra, chiến lược đã nhấn mạnh và nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tương lai; khẳng định việc trao quyền phân cấp cho người dân.


Đồng thời, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu hơn, tập trung cấp thôn bản, ưu tiên phát triển sinh kế cho người dân, phát triển cộng đồng. Định hướng lại phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn để “ly nông bất ly hương”, giảm tải cho các thành phố lớn; đa dạng hóa định hướng phát triển nông thôn mới ở các vùng theo ba loại mô hình (vùng ven đô, vùng chuyên canh, vùng nông thôn truyền thống); xây dựng nền “kinh tế dịch vụ” ở nông thôn.


Mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Cùng với đó, thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1-1,5%/năm. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.


Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.


Chiến lược cũng nêu bật nhiều đột phá chính sách trong việc chính thức hóa lao động phi chính thức, tạo điều kiện phát triển thị trường lao động công bằng; đổi mới tổ chức nông dân và nghiệp đoàn lao động; phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã và tổ chức của nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ công cho thành viên, trong đó có dịch vụ tín dụng nông thôn để nông thôn trở thành nơi đáng sống.
 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1