image banner
Tích cực xây dựng các mô hình kinh tế tập thể
Lượt xem: 1690
(Cổng ĐT HND)- Hội ND Bắc Giang đã liên kết các hộ nông dân SXKD giỏi, thành lập các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả. Đến nay, Hội đã hướng dẫn và thành lập 48 HTX, 191 tổ hợp tác, góp phần hoàn thành tiêu chí 14 về hình thức tổ chức sản xuất nông thôn mới, từng bước đáp ứng yêu cầu liên kết sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn, có thương hiệu, nhãn hiệu tập thể tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu. 
Bắc Giang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Mỗi năm Bắc Giang có hơn 100 nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp. Năm 2020, tỉnh có hơn 107,6 nghìn hộ SXKD giỏi. Nhiều hộ có thu nhập từ 1 đến hơn 3 tỷ đồng/năm.


Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái, vận động các hộ giàu giúp đỡ những hộ nghèo khó vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Kết quả đã giúp được 96.384 hộ nông dân nghèo, khó khăn , trong đó giúp về tiền vốn 56 tỷ 186 triệu đồng cho 26.064 hộ, giúp về con giống 739.986 con giống các loại cho 9.628 hộ; giúp về ngày công lao động 187.836 ngày công cho 4.576 hộ; giúp về cây giống 2.019.887 cây các loại cho 16.870 hộ; giúp nông dân mua phân bón trả chậm 100.759 tấn phân bón các loại cho 39.246 hộ…


Đến nay, Bắc Giang hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn như Vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vùng sản xuất cam lòng vàng ở Lục Ngạn; vùng chăn nuôi gà đồi, chè bản ven ở Yên Thế; vùng sản xuất rau chế biến ở Tân Yên, Lạng Giang; vùng sản xuất gạo thơm hàng hóa ở Yên Dũng,...Nhiều sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực, đóng góp tích cực phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng của tỉnh.

 
 Sản phẩm của các hộ nông dân SXKD giỏi đã góp phần tích cực vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (O.COP) với 117 sản phẩm ( 34 sản phẩm 4 sao, 83 sản phẩm 3 sao). Nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các cây con giống mới vào sản xuất.


 Một số hộ nông dân đã kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm như: trồng hoa chất lượng cao ở TP Bắc Giang, dứa ở Lục Nam, Lạng Giang, măng lục trúc ở Tân Yên, ba kích tím ở Sơn Động, Na thái ở Lục Nam, Lục Ngạn,...

         
Hay như HTX bún bánh Đa Mai, HTX sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể từ sản phẩm truyền thống đã phát triển 3-5 sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường như bún khô gạo lứt, bún khô chùm ngây, mỳ gạo lứt...


 HTX Đồng Tâm 3 (Hiệp Hòa) được hỗ trợ một tỷ đồng phát triển mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao thành công, là HTX đầu tiên của tỉnh tham gia liên hiệp HTX kinh tế số Việt Nam; HTX na dai Nghĩa Phương có giấy chứng nhận VietGap; có bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; HTX sản xuất và tiêu thụ dê và ong mật Hồng Kỳ đã  chứng nhận sản phẩm được sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, có bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, mã vạch, sản phẩm hơi có đai truy xuất, sản phẩm chế biến có bao bì hút chân không.

 
Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp làm điểm xây dựng 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp, 10 chi hội nông dân nghề nghiệp tại 10 cơ sở của các huyện, thành phố.  Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được 32 chi hội nông dân nghề nghiệp, 261 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 2,9 ngàn thành viên. Trong đó, 40% mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp thành lập năm 2020 được phát triển từ mô hình tổ hội nông dân nghề nghiệp theo Đề án 24 và Tổ Hợp tác do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập như: Chi Hội “Sản xuất, tiêu thụ bánh Chưng Vân” (Hoàng Vân-Hiệp Hòa); Chi Hội “Trồng cây ăn quả” (Đông Phú - Lục Nam); Chi Hội “Trồng cây ăn quả” (Liên Sơn-Tân Yên), Chi Hội “Trồng chuối” (Tân Thanh – Lạng Giang)…


Để duy trì nền nếp hoạt động, các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã xây dựng Quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng; nội dung, phương thức hoạt động từng bước được đổi mới, thiết thực, phù hợp với tình hình sản xuất như: trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giá cả, thị trường, phương tiện sản xuất, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…


Ngoài ra, các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp còn góp vốn, góp quỹ để hỗ trợ các thành viên trong tổ hội, chi hội vay vốn theo hình thức quay vòng vốn nhằm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và tổ chức tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm.


Mô hình chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp đã tạo nền tảng, tiền đề phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn. Một số chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tiêu biểu hoạt động hiệu quả đang hướng tới phát triển thành hợp tác xã, tổ hợp tác như: Chi Hội Sản xuất, tiêu thụ bánh Chưng Vân (Hoàng Vân, Hiệp Hòa), Chi Hội Trồng cây ăn quả (Đông Phú, Lục Nam), Tổ Hội Trồng hoa (Hương Sơn, Lạng Giang), Tổ hội Chăn nuôi lợn (Quỳnh Sơn,Yên Dũng)...


Trong những năm tới, các cấp Hội ND tiếp tục nhân rộng mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và phát triển các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp thành các THT, HTX và chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp kiểu mẫu gắn với thực hiện có hiệu quả Đề án số 02-ĐA/HNDT của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh về xây dựng điểm mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp tại 10 huyện, thành phố giai đoạn 2020-2022, nhằm đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1