image banner
Bắc Ninh: Phát huy vai trò chủ thể của hội viên, nông dân trong xây dựng NTM
Lượt xem: 735
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã triển khai nhiều nội dung, việc làm cụ thể, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Đến nay Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 100% các xã, huyện trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng NTM nâng cao, hướng tới NTM kiểu mẫu. Trong đó, đã có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 32 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 36 xã đạt dưới 15 tiêu chí. 
Anh-tin-bai

Toàn tỉnh có 399.753 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 85,96% số hộ đăng ký

 

Để có kết quả trên, các cấp Hội đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho hội viên, nông dân nắm và hiểu được các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM, bảo vệ môi trường. Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững luôn được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh quan tâm đặt thành mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hàng năm. Từ năm 2018-2023, tổng số có 465.062 lượt hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Kết quả bình xét toàn tỉnh có 399.753 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi, đạt 85,96% số hộ đăng ký.



Điển hình như chị Nguyễn Thị Trâm - Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, huyện Lương Tài) đã chuyển dịch một phần diện tích trồng rau sang sản xuất trong nhà màng, nhà lưới. Với 1,3ha nhà màng, 0,7ha nhà lưới, chị tập trung vào một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Dưa lưới, dưa leo baby, ớt chuông, cà chua beef, cà chua cherry… nhờ vậy mà hiệu quả đầu tư tăng lên đáng kể.



Chị áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel giúp tiết kiệm từ 30 – 50% lượng nước tưới so với bên ngoài. Sản phẩm có mẫu mã đẹp, đều, đảm bảo tiêu chuẩn, giảm rủi ro do tác động của yếu tố thời tiết, kiểm soát được một phần sâu bệnh, giảm nhân công lao động rõ rệt khi không phải tham gia vào quá trình chăm sóc quá nhiều mà chỉ tập trung vào thu hoạch, sơ chế đóng gói sản phẩm.



So với bên ngoài, trồng trong nhà màng có thời gian thu hoạch ngắn hơn 5 - 7 ngày, năng suất đạt cao hơn 20%, tỷ lệ sống khoảng 95%. Bên cạnh đó, những chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu đều giảm tối đa mà rau lại không bị sâu bệnh, phát triển tốt.



Chị được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo hướng VietGAP từ tháng 7 năm 2015 và giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cấp để sản xuất và sơ chế nông sản.



Ngoài 5ha thuê đất đang trong giai đoạn xin chuyển đổi thời gian sử dụng đất tại huyện Lương Tài, công ty Hải Phong còn trực tiếp thuê hơn 10ha tại huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) để sản xuất cây trồng vụ đông quanh năm. Nhờ đa dạng hóa vùng trồng, đa dạng hóa sản phẩm mà chị được các đối tác lớn như BigC, Winmart, tập đoàn CJ, tập đoàn TH đặt mua hàng để chế biến kim chi và suất ăn công nghiệp. 



Hiện công ty tạo việc làm thường xuyên cho 30 - 50 lao động, trong đó chủ yếu là hội viên, nông dân trung tuổi và người dân tộc thiểu số. Chị Trâm còn nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn cho các hộ về phòng trừ cây bệnh, tuyên truyền vận động bà con quanh vùng về sản xuất rau an toàn, nếu gia đình nào khó khăn về giống, vốn, sẽ được hỗ trợ đầu tư, đến khi thu hoạch sẽ khấu trừ dần vào sản phẩm. Đặc biệt, bà con dân tộc tại thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) đã bắt đầu tin tưởng vào cách vận hành, sản xuất của công ty, mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.



Hội ND tỉnh phát động Hội ND cấp huyện quyên góp kinh phí mua tặng bò sinh sản, xây dựng nhà “Nghĩa tình nông dân” hoặc các vật dụng khác cho các hộ hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay đã vận động kinh phí hỗ trợ xây dựng 26 ngôi nhà “Nghĩa tình nông dân”, 126 con bò sinh sản và nhiều vật dụng khác.



Hàng năm, Hội ND tỉnh chỉ đạo 100% cơ sở Hội tiến hành ký cam kết giữa Hội ND cơ sở với Hội ND các huyện, thị xã, thành phố; giữa Hội ND cơ sở với các chi Hội, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp và các hộ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh hàng nông sản cam kết sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn. Đến nay đã có 100% chi Hội; 411 tổ hợp tác, HTX và 513.818 lượt hộ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản ký cam kết.



Hội còn vận động 791.140 lượt hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”. Qua bình xét hàng năm, số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” đạt trên 92% số hộ đăng ký. Ngoài ra, Hội xây dựng mới và duy trì hoạt động của 436 Câu lạc bộ “Gia đình nông dân văn hoá”, “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Gia đình nông dân phát triển bền vững”,“Nông dân với pháp luật” với 18.860 hội viên tham gia.



Với mục tiêu bảo vệ môi trường nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các cấp phối hợp tổ chức 2.865 buổi tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh, đồng thời thường xuyên đưa tin trên website, phát hành 20.500 cuốn Bản tin “Hội ND tỉnh Bắc Ninh” dùng trong các buổi sinh hoạt của 672 chi Hội và 436 Câu lạc bộ về bảo vệ môi trường.



Hội đã xây dựng và duy trì hoạt động của 535 mô hình bảo vệ môi trường, thành lập mô hình điểm: Thu gom, phân loại, xử lý rác thải trong sinh hoạt gia đình và cộng đồng dân cư; hệ thống thoát nước thải gắn với bảo vệ môi trường nông thôn; hội viên, nông dân tham gia đảm bảo vệ sinh đường làng, ngõ xóm, cống, rãnh tạo cảnh quang xanh - sạch - đẹp; thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón... 



Hàng năm, Hội tổ chức phát động “Chiến dịch tổng vệ sinh làm sạch đồng ruộng”. Đến nay, đã có 8/8 đơn vị tổ chức phát động quy mô cấp huyện và chỉ đạo 100% Hội ND cơ sở tổ chức phát động ra quân làm sạch đồng ruộng, xây dựng và duy trì mô hình “Cánh đồng không bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; đảm nhận 180 tuyến đường “Hội ND tham gia bảo vệ môi trường nông thôn”; 74 chi Hội đăng ký xây dựng mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng chế phẩm IMO tại hộ gia đình.



Hội đã tổ chức 2.525 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cách sử dụng phân bón, chế phẩm sinh học… cho 207.666 lượt hội viên, nông dân; xây dựng 491 mô hình về áp dụng chế phẩm sinh học trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản; mô hình áp dụng phân bón vi sinh, phân bón vô cơ chất lượng cao của Việt Nam trên các loại cây; 139 buổi hội thảo đầu bờ cho 10.424 hội viên nông dân; cung ứng được 3.598 tấn phân bón với hình thức trả chậm. Bên cạnh đó, Hội tổ chức 40 lớp tập huấn cho 8.000 cán bộ hội viên nông dân về các kiến thức bảo vệ môi trường làng nghề và công tác truyền thông về bảo vệ môi trường.



Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh phấn đấu 100% số xã tự duy trì, củng cố, hoàn thiện đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó, 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 18 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 66 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Nhằm tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường, thời gian tới, Hội ND tỉnh vận động hội viên, nông dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, kinh phí… để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tổ chức trao tặng bò sinh sản (hoặc các tư liệu sản xuất khác), xây nhà“Nghĩa tình nông dân”, tặng sổ tiết kiệm, thẻ BHYT... cho hội viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tiếp tục vận động nông dân thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 191 của HĐND tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… 

Tuấn Dũng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1