image banner
Thừa Thiên- Huế: Tăng cường đào tạo nghề và hỗ trợ hội viên, nông dân
Lượt xem: 93
(Cổng ĐT HND) – Thời gian qua, công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm được các cấp Hội chú trọng triển khai thực hiện.
Các cấp Hội vận động hội viên, nông dân sản xuất kinh doanh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị cho hiệu quả kinh tế cao



Các cấp Hội trực tiếp và phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho 9.603 người, có 8.500 học viên học nghề nông nghiệp dịch vụ đầu tư, mở rộng sản xuất và tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định kinh tế.


Đồng thời, Hội còn tổ chức 2.300 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 87.843 lượt hội viên; tổ chức nhiều đợt tham quan học tập trong và ngoài tỉnh về kinh nghiệm tổ chức xây dựng Hội và các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở.



Hội Nông dân các cấp vận động hội viên, nông dân phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm để sản xuất lúa hữu cơ, chăn nuôi, trồng trọt theo chuỗi giá trị sản phẩm.


Các hộ nông dân đã hợp tác và liên kết với Tập đoàn Quế Lâm để chăn nuôi heo hữu cơ, an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị với hơn 300 heo nái và 6.000 con heo thịt; liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị với diện tích 300 ha; sản xuất 200 ha ngô, đậu tương làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tạo chu trình khép kín; liên kết với các hộ nông dân ở Quảng Công, Quảng Ngạn trồng thử nghiệm khoai lang, dưa hấu hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.


Tại cơ sở Hội các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp của hội viên nông dân cung cấp 5.914 tấn phân bón trị giá hơn 59 tỷ đồng; 41.000 tấn giống các loại trị giá 52 tỷ đồng; 9.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật trị giá hơn 5 tỷ đồng; 158 tấn thức ăn chăn nuôi trị giá hơn 3 tỷ đồng và 530 máy nông nghiệp trị giá hơn 52 tỷ đồng cho hội viên, nông dân.


Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đồng hành cùng nông dân Thừa Thiên- Huế với chủ đề “Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực”. Các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, Sở Khoa học và công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân các hồ sơ, thủ tục để đăng ký nhãn hiệu tập thể sản phẩm nông nghiệp.


Đến nay, toàn tỉnh có 49 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định bảo hộ như: Nhãn hiệu tập thể sen Huế do Hội Nông dân tỉnh quản lý, thịt bò vàng A Lưới, rau má Quảng Thọ, rượu làng Chuồn, gạo thơm Thủy Thanh, dưa hấu Vinh Lộc, bưởi da xanh Phong Điền, cam Nam Đông, hương trầm Huế, mai cảnh Thế Chí Tây, rau an toàn Phong Điền, dưa hấu Phong Điền, lúa gạo VietGap Hòa Bình Chương, trứng vịt lộn Phong Chương, mật ong Phong Mỹ, lạc Phong Điền và dâu tằm Hiền Lương, tiêu Phong Điền, ruốc Huế, gạo đỏ Quảng Điền, mật ong Nam Đông.



Bên cạnh đó, tỉnh Hội tổ chức giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm thông qua hình thức đưa các sản phẩm OCOP vào các siêu thị, các cửa hàng nông sản; đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia bình chọn các sản phẩm tiêu biểu, tham gia các gian hàng trưng bày tại Hội chợ sản phẩm nông nghiệp do Trung ương và địa phương tổ chức.


Đến nay, toàn tỉnh có 56 sản phẩm được đánh giá, công nhận và phê duyệt kết quả chấm điểm theo tiêu chí sản phẩm OCOP. Trong đó 17 sản phẩm đạt 4 sao (30,3%), 35 sản phẩm đạt 3 sao (62,6%), 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, phân hạng (7,1%).


Năm 2023, có 53 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Hiện các chủ thể đang triển khai phương án sản xuất kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm, chuẩn bị hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng OCOP.

 
Thời gian tới, các cấp Hội vận động hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đăng ký giúp đỡ các hộ nghèo về kỹ thuật, vật tư, cây con giống, việc làm; hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo lập phương án sản xuất, kinh doanh để vay vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp. 


Đồng thời, chú trọng phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản; những mô hình kinh tế hộ gia đình, giải quyết việc làm tại chỗ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
 


image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1