image banner
Tích cực vận động hội viên nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Lượt xem: 319
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đang tập trung cho việc vận động, hướng dẫn nông dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và đã được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp. Đây cũng đang được xem là giải pháp then chốt để giúp bà con nông dân gia tăng năng suất, giá trị và thu nhập.

 

Anh-tin-bai

Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực áp dụng lĩnh vực công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đang được xem là giải pháp then chốt để giúp các mô hình gia tăng năng suất, giá trị và thu nhập

 

Trước những đòi hỏi của thực tế đặt ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cho ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2025.

 

Mục tiêu của Đề án đặt ra là nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. 

 

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nhằm trang bị thêm các kỹ năng, năng lực thực hành giúp hội viên, nông dân hiểu được vai trò, tầm quan trọng và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng tích cực vận động các hộ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của tỉnh mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hàng năm, các cấp Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn đã và đang triển khai thành công tại một số địa phương tới toàn thể hội viên, nông dân trong tỉnh. 

 

Thông qua việc thực hiện Đề án nhằm góp phần thay đổi cách thức quản lý, điều hành của các cấp Hội trong tỉnh; đồng thời, thay đổi cả về phương thức sản xuất, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình các hội viên, nông dân trong tỉnh.

 

Để khuyến khích hội viên, nông dân ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất nông nghiệp, các cấp Hội đã phối hợp với ngành chức năng liên quan tổ chức được 1.740 buổi tuyên truyền về an toàn thực phẩm; vận động 124.583 hộ gia đình hội viên, nông dân ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn”. Qua đó, giúp các cán bộ, hội viên, nông dân từng bước thay đổi trong tư duy, chuyển đổi từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất nhằm góp phần phát triển nền nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản mang lại hiệu quả kinh tế. Tiêu biểu như: Mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao vùng ven biển tại xã Kim Đông- huyện Kim Sơn; mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ tại xã Khánh Cường- huyện Yên Khánh; mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao tại xã Gia Hưng- huyện Gia Viễn; mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Cư- huyện Yên Khánh...

 

 Nhìn chung, các mô hình khi được triển khai đều mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần cải tiến tập quán canh tác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng, vật nuôi. 

 

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện những giải pháp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã giúp bà con nông dân dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội gia tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.

 

Một trong những tấm gương nông dân đi tiên phong trong việc mạnh dạn cải tạo diện tích cấy lúa kém hiệu quả để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao của tỉnh là hộ gia đình ông Bùi Đức Thịnh xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn. Ông cũng đã trở thành một trong số 100 gương nông dân tiêu biểu vinh dự được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

 

Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, sau khi bàn bạc với gia đình, ông đã tập trung mọi nguồn lực, đầu tư chuyển đổi 2,6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Để tạo được sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ông đã lựa chọn việc áp dụng chuyển đổi số, thay đổi tư duy nuôi cá nước ngọt theo kiểu truyền thống trước kia sang nuôi cá theo hướng công nghiệp.

 

Theo đó, ao nuôi cá của gia đình ông được thiết kế theo kiểu ao nổi, láng xi măng, với đầy đủ hệ thống máy bơm, sục khí, đẩy nước, máy bắn thức ăn… Đặc biệt, tất cả đều được kết nối với hệ thống điều khiển tự động, có thể điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh. Chính nhờ vào hệ thống điện tử tự động này đã giúp ông rất nhàn trong việc chăm sóc đàn cá, song mô hình lại đạt được năng suất cao.

 

Nhờ sự mạnh dạn dám nghĩ dám làm, đầu tư áp dụng chuyển đổi số trong nuôi cá nước ngọt (chủ yếu là các loại cá như trắm, chép, mè…) nên ông Thịnh đã thành công. Hiện, trung bình cứ từ 7- 9 tháng sẽ cho thu hoạch lứa cá với sản lượng đạt gần 70 tấn/vụ, với giá bán bình quân trên thị trường 60.000 đồng/kg cá, gia đình ông đang có doanh thu gần 4 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí còn thu lãi khoảng 700- 800 triệu đồng/năm.

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn thường xuyên hỗ trợ về giống, vốn sản xuất để giúp cho những hộ nông dân khó khăn trên địa bàn cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Để tiếp tục nhân rộng mô hình, ông cùng một số nông dân khác thành lập Hợp tác xã dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa nhằm hỗ trợ kỹ thuật, kết nối với các doanh nghiệp trong việc cung ứng vật tư chăn nuôi với chi phí thấp. Hiện ông cũng đang đảm trách vai trò làm Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ, thương mại và nuôi trồng thủy sản Gia Hòa (huyện Gia Viễn).

 

Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp tổ chức giới thiệu và sử dụng các ứng dụng của sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp cho Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân, hộ sản xuất kinh doanh công cụ bán hàng tập trung, kết nối đa kênh, dần tháo gỡ và giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, Nhờ đó, giúp bà con nông dân tổ chức kết nối sản phẩm tới tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý và mang lại lợi nhuận cao.

 

Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức 3 hội nghị tập huấn cho 537 cán bộ, hội viên, nông dân để giới thiệu sàn thương mại điện tử postmart.vn và những lợi ích của bà con nông dân khi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Các cấp Hội cũng đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình về phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử, công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing...

 

Đồng thời, tổ chức đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử, hướng dẫn cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm, cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm… Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ và hướng dẫn 242 hộ nông dân tạo tài khoản mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử. 

 

Với sự trợ giúp tích cực của các cấp Hội Nông dân cùng sự năng động, linh hoạt của bà con, hiện đã có nhiều hộ hội viên, nông dân trong tỉnh đã chủ động sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Theo thống kê, đã có gần 100 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được đưa lên sàn thương mại điện tử. Qua đó, đã tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong tỉnh.

 

Cùng với hỗ trợ nông dân đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

 

Thông qua việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho tổ chức Hội và nông dân. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

 

Các cấp Hội đã xây dựng thành công 139 mô hình sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hàng hóa, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Đồng thời, các cấp Hội cũng hỗ trợ 16 điểm bán hàng thân thiện với môi trường; xây dựng 28 mô hình chế biến, tiêu thụ nông sản an toàn; đã thành lập mới được 3 cửa hàng nông sản an toàn, nâng tổng số trong toàn tỉnh đang có 38 cửa hàng nông sản an toàn.

 

Ngoài ra, các cấp Hội duy trì có hiệu quả nhiều mô hình, dự án khác như mô hình: “Đủ điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh an toàn thực phẩm”; mô hình “Điểm sản xuất, chế biến, dịch vụ thân thiện với môi trường”; “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”; dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí thải nhà kính của cộng đồng quốc tế”…

 

Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức Hội Nông dân các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đủ phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, nông dân. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; chú trọng hoạt động tư vấn, hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân, nhất là trong công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên, nông dân.

 

Lê Mai
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1