image banner
Dự kiến đến hết năm 2020, các cấp Hội hỗ trợ hội viên thành lập 130.000 tổ hợp tác
Lượt xem: 3542
(Cổng ĐT HND)- Thực hiện Quyết định số 2261/QĐ-TTg, ngày 15/12/2014 về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã
giai đoạn 2015 - 2020 và xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025 các cấp Hội đã tích cực tham gia hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã, tổ hợp tác.
Thành viên Tổ hợp tác Lem, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, Yên  Bái học cách tính trữ lượng gỗ- THT được thành lập trên cơ sở dự án của Trung ương Hội
 

Theo đó,  hầu hết các tỉnh, thành Hội đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Liên minh Hợp tác xã nhằm thống nhất phối hợp hoạt động giữa 2 tổ chức trong việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể trong nông nghiệp và phát huy sức mạnh của giai cấp nông dân Việt Nam trong việc đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; góp phần hỗ trợ kinh tế hộ làm ăn có hiệu quả; Phối hợp xây dựng các mô hình hợp tác xã phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của địa phương; Phối hợp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội các cấp và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho các hợp tác xã.


Nhiều tỉnh, thành Hội đã xây dựng đề án trình cấp uỷ, đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành và các ngành liên quan ủng hộ, cấp kinh phí để Hội Nông dân thực hiện đề án về xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Từ đó xây dựng chương trình hành động thực hiện đề án và lập kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn. Khảo sát nắm chắc tình hình kinh tế tập thể ở từng khu vực và nhu cầu nguyện vọng của từng hội viên nông dân trên cơ sở đó chỉ đạo các cấp Hội tăng cường vận động nông dân xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp phù hợp ở các chi, tổ Hội theo địa bàn hoặc theo nghề nghiệp.


Trong giai đoạn năm 2015 - 2018 các cấp Hội đã chủ động và phối hợp tổ chức 240.594 cuộc tuyên truyền cho hơn 12 triệu lượt hội viên, nông dân về kiến thức và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã, về nội dung Quyết định số 2261/QĐ-TTg và các cuộc thăm quan học tập các mô hình hợp tác xã điển hình tiên tiến đang làm ăn có hiệu quả.


Trung ương Hội đã tranh thủ các nguồn tài cính từ các chương trình hợp tác quốc tế tổ chức 80 lớp tập huấn cho 4.000 lượt cán bộ hội cơ sở có lồng ghép nội dung về hướng dẫn xây dựng hợp tác xã.


Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã chủ động khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên nông dân là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác.


Trong 5 năm, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức được 14.691 lớp tập huấn cho 847.600 lượt thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác là cán bộ, hội viên nông dân về kiến thức kinh tế hợp tác. Điển hình như Hội Nông dân các tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Phú Yên, Đắc Lắc, An Giang,Tiền Giang, Trà Vinh và Thành phố Hồ Chí Minh..


Ở Trung ương Hội, được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  năm 2015, Trung ương Hội đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp Hội xây dựng bộ tài liệu học tập và tổ chức 34 lớp tập huấn bồi dưỡng cho 1.700 học viên là các thành viên trong Ban quản trị, Ban giám đốc, Ban kiểm soát, kế toán và xã viên làm công tác chuyên môn nghiệp vụ. Ký kết với Đài truyền hình VTV2 thực hiện chương trình “ Nông dân với Hợp tác xã”.


Trong giai đoạn 2015-2018, các cấp Hội đã đào tạo, dạy nghề cho 362.000 lao động là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và đối tượng lao động nông thôn. Trong đó trực tiếp đào tạo nghề cho 112.000 lao động; phối hợp với các tổ chức khác đào tạo nghề cho 250.000 lao động.


Hội tổ chức cho các thành viên THT Na Ngom, Ba Bể, Bắc Kạn phương pháp trồng chè theo tiêu chuẩn VietGap 
 

 Trong tổng số 362.000 lao động nông thôn được đào tạo, dạy nghề có gần 80% đang là thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã và 27.746 lao động sau khi học nghề, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hội Nông dân đã thành lập được hàng ngàn tổ hợp tác, tổ nhóm liên kết sản xuất và hàng trăm hợp tác xã.


Trung ương Hội tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành Hội chủ động phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp tổ chức được 300.325 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất cho trên 15 triệu lượt hội viên, nông dân, thành viên hợp tác xã; xây dựng trên 60.000 mô hình hình trình diễn VietGap; chuyển giao thành công 2.700 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản tại 63 tỉnh, thành.


Thông qua cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông do TƯ Hội phát động, đã có hàng trăm giải pháp kỹ thuật của nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Các tỉnh, thành Hội đã tích cực liên hệ làm việc với các Sở khoa học - công nghệ của tỉnh để tìm nguồn chuyển giao tiến bộ KHKT cho các thành viên của HTX.


 Kết quả trong 5 qua, Hội Nông dân các cấp đã khai thác được hơn 5.000 tỷ đồng từ các chương trình phối hợp để hỗ trợ củng cố và phát triển hợp tác xã.


Tính đến ngày 31/12/2018 tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của các cấp Hội là trên 3.065 tỷ đồng, đang dư nợ cho vay thông qua gần 9.000 dự án vay vốn (nhóm hộ, tổ hợp tác, HTX…) với hơn 300.000 hộ vay. Thu nhập bình quân của thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã vay vốn từ  Quỹ HTND tăng trên 20% so với trước khi chưa có vốn hỗ trợ của Hội.


Hội đã phối hợp với các ngân hàng như ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác, thực hiện ủy thác, tín chấp giúp cho gần 3 triệu lượt hộ nông dân là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác vay gần 120.000 tỷ đồng thông qua gần 90.000 tổ vay vốn.


Bên cạnh đó các cấp Hội cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, đặc biệt là Chương trình phát triển rừng và trang trại, đã khai thác hơn 11.000 tỷ đồng thông qua việc xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giúp cán bộ, hội viên nông dân là thành viên hợp tác xã có nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.


Trên cơ sở nâng cao nhận thức của hội viên nông dân, các cấp Hội đã vận động kết hợp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ vốn, tư vấn cách làm, hướng dẫn thủ tục đăng ký cho  hội viên  xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, vùng miền.

Kết quả đến 12/2018: Về khu vực hợp tác xã:  Các cấp Hội tuyên truyền, vận động và trực tiếp hướng dẫn hội viên thành lập được 1.350 HTX chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như:


 Lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp: Có 817 HTX hoạt động, chiếm khoảng 60% trên tổng số. Tổng số xã viên 107.800 xã viên, bình quân 126 xã viên/HTX; nguồn vốn hoạt động bình quân 656.000 triệu đồng/năm.


Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp: Tổng số có 265 HTX, chiếm khoảng 20% trên tổng số, chủ yếu hoạt động trong một số ngành nghề như: sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất hàng mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng...


Lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các lĩnh vực khác:  268 HTX chiếm khoảng 20% trên tổng số. Trong đó chủ yếu là loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bình quân có khoảng 20-25 thành viên/HTX.


 Về tổ hợp tác: Đến hết năm 2018, Hội Nông dân các cấp đã chủ động và phối hợp thành lập được khoảng 101.000 tổ hợp tác, dự kiến đến hết năm 2020 thành lập 130.000 tổ hợp tác chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tín dụng và dịch vụ.


Các hợp tác xã, tổ hợp tác do Hội thành lập nói chung hoạt động có chất lượng, hiệu quả, các thành viên liên kết chặt chẽ trong sản xuất, giúp nhau về kiến thức, kinh nghiệm, nguồn vốn; nhiều hợp tác xã xây dựng được chuỗi giá trị trong sản xuất. Thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1